Ngày 04/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2024/NĐ-CP (“Nghị định 46”), trong đó nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng đối Nghị định số 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (“Nghị định 99”). Bài viết này sẽ phân tích những điểm đáng chú ý nhất của Nghị định 46, bao gồm các biện pháp khắc phục hậu quả mới, nguyên tắc xác định giá trị hàng hóa xâm phạm, căn cứ xác minh hành vi vi phạm và quy trình tiếp nhận xử lý đơn yêu cầu xử lý vi phạm hành chính.
1. Các biện pháp khắc phục hậu quả
Nghị định 46 đã mở rộng phạm vi các biện pháp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, tập trung vào việc ngăn chặn và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Một số biện pháp khắc phục hậu quả được bổ sung bao gồm:
• Buộc thu hồi hoặc tạm giữ tên miền liên quan đến hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp.
• Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý.
• Buộc thay đổi tên doanh nghiệp nếu tên đó xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
• Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên tang vật, phương tiện vi phạm.
• Buộc bổ sung chỉ dẫn về sở hữu công nghiệp.
• Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
• Buộc nộp lại lợi ích bất hợp pháp thu được từ hành vi vi phạm, trong trường hợp có căn cứ xác định rõ giá trị của các lợi ích này,…
Các biện pháp trên giúp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, ngăn chặn vi phạm và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp.
2. Nguyên tắc xác định giá trị hàng hóa xâm phạm
Cơ quan xử lý vi phạm hành chính sẽ xác định giá trị hàng hóa tại thời điểm xảy ra vi phạm, dựa trên các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau đây:
• Giá niêm yết của hàng hóa trên thị trường;
• Giá thực bán nếu hàng hóa đã được tiêu thụ;
• Giá thành sản xuất nếu hàng hóa chưa được lưu thông trên thị trường;
• Giá mua nếu không có thông tin về giá niêm yết hoặc giá bán thực tế.
Việc xác định giá trị hàng hóa xâm phạm theo các tiêu chí này giúp bảo đảm tính minh bạch và khách quan trong quá trình xử lý vi phạm.
3. Căn cứ xác minh hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp
Thay vì quy định điều khoản về chủ thể và căn cứ để các chủ thể thực hiện quyền yêu cầu xử lý vi phạm, Nghị định 46 chỉ đề cập đến căn cứ tiến hành xác minh hành vi vi phạm, cụ thể:
• Yêu cầu xử lý hành vi vi phạm của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp;
• Kết quả kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính;
• Kiến nghị từ các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có nguy cơ bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;
• Thông tin từ các cá nhân, tổ chức phát hiện vi phạm, đặc biệt là những vi phạm có ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và xã hội.
Việc bổ sung các các căn cứ để tiến hành xác minh hành vi vi phạm sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền thực hiện tốt, hiệu quả các nhiệm vụ, đưa ra quyết định áp dụng các biện pháp xử lý được chính xác và phù hợp với quy định của pháp luật.
4. Tiếp nhận xử lý đơn yêu cầu xử lý vi phạm hành chính
a) Thời hạn
Khoản 19 Điều 1 Nghị định 46 quy định thời hạn hướng dẫn lại người nộp đơn nộp đúng cơ quan có thẩm quyền là 10 ngày kể từ ngày nhận. Đồng thời, bên bị yêu cầu xử lý vi phạm phải cung cấp thông tin, chứng cứ và giải trình trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận yêu cầu.
b) Xử lý khi phát sinh khiếu nại, tranh chấp
Khoản 20 Điều 1 Nghị định 46 bổ sung về quy trình xử lý khi phát sinh khiếu nại, tranh chấp sau khi đơn yêu cầu xử lý vi phạm hành chính được tiếp nhận, cụ thể cơ quan tiếp nhận đơn sẽ thực hiện các bước sau:
• Dừng xử lý đơn theo điểm a khoản 2 Điều 28 Nghị định 99.
• Yêu cầu các bên liên quan thực hiện thủ tục khiếu nại, tố cáo hoặc giải quyết tranh chấp theo đúng quy định pháp luật.
• Phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ để làm rõ tình trạng pháp lý của quyền sở hữu công nghiệp liên quan.
• Ban hành văn bản trả lời trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của Cục Sở hữu trí tuệ (nêu rõ việc tiến hành hoặc từ chối tiến hành yêu cầu xử lý xâm phạm).
Như vậy, Nghị định 46 được ban hành góp phần hạn chế, thắt chặt việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp nhằm tạo ra một môi trường lành mạnh để lĩnh vực này phát triển và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Trên đây là bài viết của TNTP về Những điểm mới của Nghị định số 46/2024/NĐ-CP. Hy vọng bài viết này sẽ mang lại giá trị cho độc giả.
Trân trọng,