Bảo trì công trình sau khi xây dựng là một giai đoạn quan trọng nhằm đảm bảo công trình duy trì được chất lượng, độ bền và an toàn trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, việc xác định trách nhiệm bảo trì giữa các bên liên quan (chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị quản lý vận hành) thường phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp. Thông qua bài viết này, TNTP sẽ phân tích các quy định pháp luật liên quan đến bảo trì công trình và làm rõ trách nhiệm của các bên.

1. Quy định pháp luật về bảo trì công trình xây dựng

Theo Luật Xây dựng năm 2014 và Nghị định 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng, bảo trì công trình xây dựng, việc bảo trì công trình được quy định cụ thể như sau:

a. Khái niệm bảo trì công trình xây dựng

Theo quy định tại Khoản 13 Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, bảo trì công trình xây dựng là tập hợp các công việc nhằm bảo đảm và duy trì sự làm việc bình thường, an toàn của công trình theo quy định của thiết kế trong quá trình khai thác sử dụng. Nội dung bảo trì công trình xây dựng có thể bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các công việc sau:

– Kiểm tra: Đánh giá tình trạng hiện tại của công trình.
– Quan trắc: Theo dõi, đo đạc các thông số kỹ thuật để đánh giá sự ổn định của công trình.
– Kiểm định chất lượng: Xác định chất lượng và độ an toàn của công trình.
– Bảo dưỡng: Duy trì tình trạng hoạt động bình thường của công trình.
– Sửa chữa: Khắc phục các hư hỏng, sự cố để đảm bảo an toàn và khả năng vận hành.
– Bổ sung, thay thế hạng mục, thiết bị: Đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả nhưng không làm thay đổi công năng, quy mô công trình.

b. Phân loại bảo trì công trình xây dựng

– Bảo trì định kỳ: Được thực hiện theo kế hoạch để duy trì chất lượng công trình.

– Bảo trì không định kỳ: khi bộ phận công trình, công trình bị hư hỏng do chịu tác động đột xuất như gió, bão, lũ lụt, động đất, va đập, cháy và những tác động đột xuất khác hoặc khi bộ phận công trình, công trình có biểu hiện xuống cấp ảnh hưởng đến an toàn sử dụng, vận hành, khai thác công trình.

c. Nội dung của quy trình bảo trì công trình xây dựng

Quy trình bảo trì công trình xây dựng bao gồm nhiều nội dung quan trọng nhằm đảm bảo công trình được duy trì, vận hành an toàn và hiệu quả trong suốt quá trình sử dụng. Các nội dung chính trong quy trình này bao gồm:

– Thông số kỹ thuật, công nghệ của công trình, bộ phận công trình và thiết bị;
– Đối tượng, phương pháp, tần suất kiểm tra công trình;
– Hướng dẫn bảo dưỡng, thay thế định kỳ thiết bị lắp đặt;
– Phương pháp sửa chữa hư hỏng, xử lý xuống cấp;
– Thời gian sử dụng công trình và các bộ phận liên quan;
– Quy định đánh giá an toàn trong quá trình khai thác;
– Kiểm định định kỳ: thời điểm, đối tượng, nội dung;
– Quan trắc công trình: thời điểm, phương pháp, chu kỳ;
– Hồ sơ bảo trì và cập nhật thông tin;
– Các chỉ dẫn khác về bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường khi bảo trì.

2. Trách nhiệm của các bên trong bảo trì công trình sau khi xây dựng

a. Trách nhiệm của Nhà thầu thiết kế xây dựng công trình

– Nhà thầu thiết kế xây dựng công trình có trách nhiệm lập và bàn giao cho chủ đầu tư quy trình bảo trì công trình xây dựng, bộ phận công trình cùng với hồ sơ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở; cập nhật quy trình bảo trì cho phù hợp với các nội dung thay đổi thiết kế trong quá trình thi công xây dựng (nếu có).

– Nhà thầu lập quy trình bảo trì phải sửa đổi, bổ sung nếu sai sót do lỗi của mình và có quyền từ chối yêu cầu điều chỉnh không hợp lý từ chủ sở hữu hoặc người quản lý công trình

b. Trách nhiệm của Nhà thầu cung cấp thiết bị lắp đặt vào công trình

– Lập và bàn giao cho chủ đầu tư quy trình bảo trì đối với thiết bị do mình cung cấp trước khi lắp đặt vào công trình.

c. Trách nhiệm của Chủ đầu tư

– Tổ chức lập và phê duyệt quy trình bảo trì theo quy định pháp luật hoặc thuê đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra một phần hoặc toàn bộ quy trình bảo trì công trình xây dựng do nhà thầu thiết kế lập làm cơ sở cho việc phê duyệt.

d. Trách nhiệm của Chủ sở hữu, chủ sử dụng công trình

– Quá trình lập và phê duyệt quy trình bảo trì: Chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý công trình có thể thuê tư vấn thẩm định quy trình bảo trì của nhà thầu làm cơ sở phê duyệt. Nếu phát hiện bất hợp lý ảnh hưởng đến chất lượng công trình, họ có quyền điều chỉnh và chịu trách nhiệm. Nếu nhà thầu không sửa đổi quy trình, chủ sở hữu có thể thuê đơn vị khác đủ năng lực. Khi tiêu chuẩn bảo trì thay đổi, chủ sở hữu phải thực hiện theo tiêu chuẩn mới và có trách nhiệm phê duyệt điều chỉnh quy trình, trừ khi pháp luật quy định khác.

Đối với công trình cấp III trở xuống, nhà ở riêng lẻ và công trình tạm, không bắt buộc lập quy trình bảo trì riêng trừ khi pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, chủ sở hữu vẫn phải thực hiện bảo trì theo quy định pháp luật.

– Thực hiện bảo trì công trình: Chủ sở hữu hoặc người quản lý công trình tự tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa công trình theo quy trình bảo trì đã phê duyệt nếu đủ năng lực, hoặc thuê tổ chức đủ năng lực thực hiện. Kiểm tra định kỳ và đột xuất giúp phát hiện kịp thời dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng để tiến hành bảo dưỡng theo kế hoạch hàng năm. Khi có nhiều chủ sở hữu, ngoài bảo trì phần riêng, các chủ sở hữu còn phải bảo trì phần sở hữu chung theo quy định pháp luật.

– Quản lý chất lượng công việc bảo trì công trình xây dựng: Chủ sở hữu công trình chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng bảo trì, thực hiện bảo dưỡng theo quy trình và ghi chép kết quả. Tổ chức nghiệm thu sửa chữa, lưu hồ sơ, và đảm bảo công việc sửa chữa có bảo hành.

Trường hợp công trình có yêu cầu về quan trắc hoặc phải kiểm định chất lượng, chủ sở hữu hoặc người quản lý có thể thuê tổ chức đủ năng lực kiểm tra chất lượng. Ngoài ra, chủ sở hữu hoặc người quản lý có trách nhiệm nhận bàn giao các tài liệu bảo trì từ chủ đầu tư.

e. Trách nhiệm của Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng

– Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thực hiện bảo trì công trình, cụ thể: Ban hành tiêu chuẩn bảo trì công trình, Hướng dẫn chủ đầu tư, đơn vị quản lý thực hiện bảo trì đúng quy định.

– Xử lý vi phạm nếu chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý không thực hiện bảo trì theo quy định: Xử phạt hành chính nếu không thực hiện bảo trì, Yêu cầu khắc phục vi phạm, đình chỉ sử dụng công trình nếu mất an toàn.

– Ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo trì công trình: Xây dựng tiêu chuẩn bảo trì cho từng loại công trình, quy định quy trình kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình.

3. Chế tài xử lý vi phạm trong bảo trì công trình xây dựng

Theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP, các hành vi vi phạm quy định về bảo trì công trình có thể bị xử phạt hành chính như sau:

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi không lập quy trình bảo trì hoặc lập quy trình bảo trì không đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định.

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không phê duyệt quy trình bảo trì theo quy định

– Mức phạt từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng áp dụng cho các hành vi: không kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng và báo cáo kéo dài thời hạn sử dụng công trình đã hết tuổi thọ; không thực hiện quan trắc công trình theo quy định; hoặc sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật hết hiệu lực để bảo trì.

Bảo trì công trình xây dựng là trách nhiệm quan trọng của chủ đầu tư, chủ sở hữu, người quản lý sử dụng, nhà thầu và cơ quan quản lý. Việc thực hiện bảo trì đúng quy định không chỉ bảo đảm chất lượng công trình mà còn góp phần nâng cao an toàn, hiệu quả sử dụng. Các bên liên quan cần tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật để tránh rủi ro pháp lý và bảo đảm lợi ích lâu dài của công trình.

Trên đây là bài viết “Quy định về trách nhiệm của các bên trong bảo trì công trình sau khi xây dựng” mà TNTP gửi đến Quý độc giả. TNTP hi vọng bài viết này giúp ích cho Quý độc giả.

Trân trọng,