Người sử dụng lao động trong lĩnh vực xây dựng không chỉ chịu trách nhiệm thực hiện các dự án với chất lượng cao mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động. Việc thực hiện tốt trách nhiệm này không chỉ giúp xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp mà còn tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển của doanh nghiệp.

1. Quyền lợi của người lao động trong dự án xây dựng

Người lao động trong các dự án xây dựng có các quyền lợi cơ bản được pháp luật quy định, bao gồm:

• Quyền được làm việc trong môi trường an toàn: Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định, đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và người lao động không làm việc theo hợp đồng lao động đều được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 23 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 thì người sử dụng lao động phải đảm bảo các điều kiện an toàn lao động và vệ sinh lao động, cung cấp các trang trang bị bảo hộ lao động phù hợp với công việc.

• Quyền được trả lương đúng hạn và đầy đủ: Một trong những quyền cơ bản của người lao động đó là được nhận mức lương phù hợp với hợp đồng lao động và các quy định về mức lương tối thiểu vùng được tính theo giờ hoặc theo tháng.

• Quyền được tham gia bảo hiểm: Theo quy định tại Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, đối với người lao động ký kết hợp đồng lao động phải được tham gia các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm ý tế để bảo vệ quyền lợi trong các trường hợp ốm đau, tai nạn lao động hoặc thất nghiệp. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện nay là 32%, trong đó người lao động đóng 10,5%, gười sử dụng lao động đóng 21,5% quỹ tiền lương.

Ngoài ra, đối với người lao động thi công trên công trường, Nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm bắt buộc theo quy định Điều 9 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020).

• Quyền nghỉ và hưởng lương: Ngoài những ngày lễ, tết người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương. Khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 còn quy định, người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây: Kết hôn; Con đẻ, con nuôi kết hôn; Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết.

2. Lợi ích của việc bảo vệ quyền lợi người lao động đối với doanh nghiệp

Từ góc độ người sử dụng lao động, việc bảo vệ quyền lợi người lao động mang lại nhiều lợi ích thiết thực:

• Xây dựng uy tín doanh nghiệp: Việc tuân thủ các quy định pháp luật lao động, như được quy định tại Bộ luật Lao động và Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, giúp doanh nghiệp tạo dựng hình ảnh tốt trong mắt đối tác, khách hàng và xã hội.

• Tăng cường sự gắn bó của người lao động: Khi các quyền lợi về an toàn, tiền lương và phúc lợi được bảo đảm, người lao động có xu hướng làm việc ổn định, gắn bó lâu dài, giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuyển dụng và đào tạo.

• Hạn chế tranh chấp lao động: Điều này giúp giảm thiểu các tranh chấp phát sinh, đặc biệt các tranh chấp liên quan đến chậm lương hoặc tai nạn lao động, vốn có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế và uy tín doanh nghiệp.

3. Thách thức trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động

Người sử dụng lao động trong lĩnh vực xây dựng thường phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm:

• Áp lực chi phí: Đầu tư vào an toàn lao động, phúc lợi và các chế độ bảo hiểm có thể làm tăng chi phí vận hành, đặc biệt với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

• Quản lý lao động đông đảo: Các dự án xây dựng thường sử dụng lao động phổ thông số lượng lớn, gây khó khăn trong việc đảm bảo quyền lợi và theo dõi đầy đủ các chế độ bảo hiểm.

4. Giải pháp bảo vệ quyền lợi của người lao động

a. Đối với người lao động

Để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động trong các dự án xây dựng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

• Nâng cao ý thức pháp luật của: Người lao động cần được phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến quyền lợi của họ, bao gồm an toàn lao động, tiền lương và bảo hiểm.

• Tham gia công đoàn: Công đoàn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi tập thể của người lao động, từ việc đàm phán lương thưởng đến hỗ trợ trong quá trình giải quyết tranh chấp, vụ án về lao động.

b. Giải pháp từ phía người sử dụng lao động

Để thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người lao động, người sử dụng lao động cần thực hiện các biện pháp sau:

• Tăng cường vai trò của đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp chế: Đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp chế có thể hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các chính sách lao động phù hợp, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật như Bộ luật Lao động 2019, Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, và Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Họ cũng giúp rà soát các hợp đồng lao động, quy chế nội bộ, và giải quyết các tranh chấp lao động một cách hiệu quả.

• Tư vấn và hỗ trợ trong việc quản lý rủi ro pháp lý: Các chuyên viên pháp chế sẽ đưa ra những cảnh báo kịp thời về các rủi ro pháp lý liên quan đến tai nạn lao động, chế độ bảo hiểm, hoặc vi phạm quyền lợi của người lao động, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục nhanh chóng.

• Hỗ trợ trong đào tạo và nâng cao nhận thức: Đội ngũ này có thể phối hợp với các bộ phận khác tổ chức các khóa đào tạo định kỳ về an toàn lao động, quyền lợi của người lao động và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Điều này không chỉ nâng cao nhận thức của cả người lao động và doanh nghiệp mà còn giúp xây dựng môi trường làm việc minh bạch và tuân thủ pháp luật.

• Xử lý tranh chấp lao động: Khi xảy ra tranh chấp, đội ngũ luật sư sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải, hoặc tranh tụng tại tòa án, hạn chế tối đa thiệt hại về tài chính và uy tín của doanh nghiệp.

Bằng cách phối hợp chặt chẽ với đội ngũ pháp lý nội bộ hoặc bên ngoài, người sử dụng lao động không chỉ đảm bảo quyền lợi cho người lao động và còn giúp người sử dụng lao động đảm bảo tuân thủ pháp luật, giảm thiểu tranh chấp lao động, mà còn nâng cao năng suất làm việc, xây dựng uy tín doanh nghiệp, và đảm bảo an toàn trong môi trường xây dựng.

Bảo vệ quyền lợi của người lao động trong dự án xây dựng không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của ngành xây dựng. Các bên liên quan cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo môi trường làm việc an toàn, công bằng và minh bạch, qua đó góp phần nâng cao chất lượng lao động và sự phát triển kinh tế – xã hội.

Trên đây là bài viết “Bảo vệ quyền lợi của người lao động trong dự án xây dựng” mà TNTP gửi đến Quý độc giả. TNTP hi vọng bài viết này giúp ích cho Quý độc giả.

Trân trọng,