Tranh chấp liên quan đến bảo hành công trình xây dựng là tranh chấp xảy ra khá phổ biến. Thực tiễn xét xử cho thấy, việc giải quyết tranh chấp này được dựa trên quy định pháp luật và quan điểm của Tòa án. Trong bài viết này, TNTP sẽ phân tích một số tranh chấp điển hình liên quan đến bảo hành công trình xây dựng và hướng giải quyết của Tòa án đối với các tranh chấp này.

1. Bảo hành công trình xây dựng là gì?

Căn cứ Khoản 17 Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, bảo hành công trình xây dựng là sự cam kết của nhà thầu về trách nhiệm khắc phục, sửa chữa trong một thời gian nhất định các hư hỏng, khiếm khuyết có thể xảy ra trong quá trình khai thác, sử dụng công trình xây dựng. Theo đó, Chủ đầu tư phải thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng với các nhà thầu tham gia xây dựng công trình về các vấn đề về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến bảo hành công trình xây dựng, thời hạn bảo hành, hạn mức bảo hành;…

2. Một số tranh chấp liên quan đến bảo hành công trình và hướng giải quyết của Tòa án

Trên thực tế, các tranh chấp liên quan đến việc bảo hành công trình xây dựng phát sinh khá thường xuyên, bao gồm một số loại sau: Tranh chấp thời hạn bảo hành; Tranh chấp về nghĩa vụ bảo hành; Tranh chấp về thời điểm bắt đầu bảo hành;…

2.1. Tranh chấp trong trường hợp hợp đồng không thỏa thuận về nghĩa vụ bảo hành

Để tiến hành bảo hành công trình, điều tiên quyết là các bên cần phải ghi nhận điều khoản về bảo hành trong Hợp đồng thi công xây dựng giữa các bên.

Trong một bản án tranh chấp xây dựng giữa các cá nhân, Tòa án đã bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn thực hiện nghĩa vụ bảo hành do không thỏa thuận trong hợp đồng. Cụ thể, trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng, bị đơn đã tạm dừng công việc với lý do nguyên đơn chưa thanh toán tiền công theo thỏa thuận. Sau đó, nguyên đơn đã khởi kiện bị đơn yêu cầu bảo hành với lý do thi công không đúng thiết kế, không đảm bảo chất lượng và tính thẩm mỹ cho công trình. Trong vụ việc này, Tòa án đã từ chối yêu cầu bảo hành của nguyên đơn dựa trên các căn cứ sau:

● Căn cứ Khoản 2 Điều 46 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP: “Bên nhận thầu có trách nhiệm bảo hành công trình, bảo hành thiết bị theo đúng các thỏa thuận trong hợp đồng. Các thỏa thuận của các bên hợp đồng về thời hạn bảo hành, mức bảo đảm bảo hành phải phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng”.

● Trong hợp đồng được ký kết và trong quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên không thỏa thuận về nghĩa vụ bảo hành công trình. Đồng thời, bị đơn đã thực hiện thi công dưới sự giám sát hàng ngày theo đúng yêu cầu của nguyên đơn.

Do đó, Tòa án cho rằng bị đơn không vi phạm hợp đồng và không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Qua đó, có thể thấy rằng, nhà thầu chỉ có nghĩa vụ bảo hành công trình xây dựng khi các bên thỏa thuận về nội dung này. Trường hợp các bên không có thỏa thuận, nhà thầu có thể từ chối thực hiện yêu cầu bảo hành.

2.2. Tranh chấp có liên quan đến xác định thời điểm hoàn trả tiền bảo hành

Căn cứ Khoản 2 Điều 28 và điểm a Khoản 5 Điều 29 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, khi kết thúc thời hạn bảo hành và bên nhận thầu đã hoàn thành nghĩa vụ bảo hành, bên giao thầu phải hoàn trả tiền bảo hành cho bên nhận thầu. Tuy nhiên, Nghị định nêu trên không quy định thời điểm hoặc thời hạn cụ thể mà bên giao thầu phải hoàn trả tiền bảo hành cho bên nhận thầu.

Theo một bản án đã được giải quyết tại TAND cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án đã giải quyết vụ việc theo hướng tiền bảo hành phải được hoàn trả vào ngày tiếp theo liền sau của ngày hoàn thành nghĩa vụ bảo hành. Trong vụ việc này, các bên đã hoàn thành việc nghiệm thu và bàn giao công trình, đồng thời, nguyên đơn cũng đã hoàn thành nghĩa vụ bảo hành công trình của mình. Tuy nhiên, dù nguyên đơn đã nhiều lần yêu cầu bị đơn hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nhưng bị đơn không thực hiện. Theo đó, đối với vụ việc này, Tòa án đã đưa ra nhận định và lập luận như sau: Ngày hết hạn bảo hành là ngày 17/6/2020. Bị đơn thừa nhận bị đơn còn giữ số tiền bảo hành của nguyên đơn với lý do trong thời gian bảo hành bị đơn đã thông báo nhưng nguyên đơn không đến sửa chữa. Tuy nhiên, bị đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh về các thông báo của mình. Do đó, hết thời hạn bảo hành, bị đơn có nghĩa vụ thanh toán tiền bảo hành cho nguyên đơn kể từ ngày 18/6/2020 (ngày tiếp theo liền sau của ngày hết thời hạn bảo hành).

Như vậy, Tòa án đã giải quyết vụ việc trên theo hướng buộc bên giao thầu phải hoàn trả tiền bảo hành cho bên nhận thầu một cách thiện chí và kịp thời.

Trên đây là bài viết “Một số tranh chấp liên quan đến bảo hành công trình xây dựng và hướng giải quyết của Tòa án”. TNTP hy vọng bài viết có ích đối với các độc giả.

Trân trọng,