Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là quyền dân sự được công nhận, tôn trọng và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Theo đó, chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản có quyền bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật. Đó chính là nội dung của quyền bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày quy định pháp luật về quyền bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản theo Bộ luật Dân sự 2015.

1. Quy định chung về bảo vệ quyền dân sự

Quyền dân sự là quyền được công nhận và bảo vệ bởi pháp luật. Tại Điều 2 Bộ luật Dân sự khẳng định quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Theo đó, có thể thấy, về nguyên tắc, quyền dân sự được pháp luật ưu tiên bảo vệ chỉ sau lợi ích quốc gia, dân tộc.

Về các phương thức bảo vệ quyền dân sự, Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định 02 nhóm phương thức để các tổ chức, cá nhân có thể bảo vệ quyền dân sự của mình như sau:

(1) Tự bảo vệ

Phương thức tự bảo vệ là phương thức bảo vệ quyền dân sự thường được ưu tiên sử dụng bởi tính nhanh chóng, chủ động và tiết kiệm chi phí của nó. Về nguyên tắc, việc tự bảo vệ quyền dân sự phải phù hợp với tính chất, mức độ xâm phạm đến quyền dân sự đó và không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.

Như vậy, Bộ luật Dân sự 2015 không quy định cụ thể các biện pháp để các tổ chức, cá nhân có thể bảo vệ quyền dân sự mà quy định nguyên tắc của việc tự bảo vệ quyền dân sự. Theo đó, tổ chức, cá nhân có thể sử dụng các biện pháp phù hợp với trường hợp bị xâm phạm quyền và phù hợp với nguyên tắc nêu trên.

(2) Bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền

Đối với trường hợp việc sử dụng các biện pháp tự bảo vệ không hiệu quả, tổ chức cá nhân có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ quyền dân sự của mình trước hành vi xâm phạm.

Theo Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015, tổ chức, cá nhân có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:

• Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình.
• Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.
• Buộc xin lỗi, cải chính công khai.
• Buộc thực hiện nghĩa vụ.
• Buộc bồi thường thiệt hại.
• Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
• Yêu cầu khác theo quy định của luật.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền dân sự của mình như sau:

• Tại Tòa án hoặc trọng tài: Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài.

• Tại cơ quan hành chính có thẩm quyền: Ngoài Tòa án, tổ chức, cá nhân có thể gửi đơn yêu cầu tới các cơ quan hành chính nhà nước (như Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã, huyện, tỉnh) để giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu bảo vệ quyền lợi.

• Trình bày ý kiến, kiến nghị: Cá nhân, tổ chức cũng có thể gửi ý kiến, kiến nghị tới các cơ quan chức năng liên quan (như cơ quan thanh tra, kiểm tra) để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

2. Quy định về bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

Quyền sở hữu là quyền của chủ sở hữu đối với tài sản trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.

Điều 163 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản của cá nhân, tổ chức không bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.

Về biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản: Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền:

• Quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.

• Quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo đó, chủ sở hữu, chủ thể khác đối với tài sản có các quyền cụ thể sau:

(1) Quyền đòi lại tài sản

Các trường hợp chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi tại sản bao gồm:

• Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật (Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật được quy định tại Điều 165 Bộ luật Dân sự 2015).

• Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.

• Riêng đối với trường hợp đòi lại tài sản từ người chiếm hữu ngay tình, chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản chỉ có quyền đòi lại tài sản trong các trường hợp sau:

– Trường hợp đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu: – Chủ sở hữu chỉ có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong 02 trường hợp sau: (1) Trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; và (2)Trường hợp hợp đồng giao kết là hợp đồng có đền bù, chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.

– Trường hợp đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản: Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự 2015.

(2) Quyền yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

Căn cứ vào Điều 169 Bộ luật Dân sự 2015, khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, chủ thể có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó hoặc có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm.

(3) Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại

Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản được quy định tại Điều 170 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bồi thường thiệt hại.

Trên đây là nội dung bài viết “Quyền bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản” mà TNTP gửi đến quý độc giả. Hi vọng bài viết hữu ích đối với những ai đang quan tâm đến vấn đề này.

Trân trọng,