Tòa án là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của đương sự. Đương sự khi nộp đơn sẽ phải đính kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết khi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Vậy Tòa án có thẩm quyền và thủ tục như thế nào khi giải quyết đơn yêu cầu của đương sự và ban hành quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ đưa ra quan điểm về vấn đề trên.

1. Thẩm quyền của Tòa án trong việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời

Căn cứ Điều 112 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định Thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời:

• Trước khi mở phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi , hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do một Thẩm phán xem xét, quyết định.

• Tại phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.

Như vậy, cần căn cứ vào thời điểm theo tùy từng vụ việc lúc đó để xác định 02 trường hợp tương ứng 02 thời điểm (được bôi đậm) mà một Thẩm phán hay Hội đồng xét xử sẽ quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

2. Trách nhiệm của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng

Căn cứ Khoản 2 Điều 113 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định Trách nhiệm do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng, theo đó, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì Tòa án phải bồi thường nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

• Tòa án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
• Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu;
• Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
• Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không có lý do chính đáng.
Như vậy, trước khi ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa án cần rà soát, kiểm tra và xem xét cẩn thận các vụ việc để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đúng và phù hợp tương ứng. Khi xảy ra sai sót dẫn đến người bị áp dụng hoặc người thứ ba bị thiệt hại, Tòa án sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

3. Trình tự thủ tục yêu cầu áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời

(i) Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh cho sự cần thiết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(ii) Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có các nội dung chính sau:

• Ngày, tháng, năm viết đơn;
• Tên, địa chỉ, số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
• Tên, địa chỉ, số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
• Tóm tắt nội dung tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
• Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
• Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.

(iii) Tùy từng trường hợp, Tòa án hoặc Hội đồng xét xử sẽ giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau:

• Đối với trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015:

Trường hợp Tòa án nhận đơn yêu cầu trước khi mở phiên tòa thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải xem xét, giải quyết.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, nếu người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc ngay sau khi người đó thực hiện xong biện pháp bảo đảm theo quy định thì Thẩm phán phải ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bả và nêu rõ lý do cho người yêu cầu.
• Trường hợp Hội đồng xét xử nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử xem xét, thảo luận, giải quyết tại phòng xử án. Nếu chấp nhận thì Hội đồng xét xử ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay hoặc sau khi người yêu cầu đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm theo quy định.

Việc thực hiện biện pháp bảo đảm được bắt đầu từ thời điểm Hội đồng xét xử ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm, nhưng người yêu cầu phải xuất trình chứng cứ về việc đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm trước khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án.

Nếu không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì hội đồng xét xử phải thông báo ngay tại phòng xử án và ghi vào biên bản phiên tòa.

• Đối với trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Khoản 2 Điều 111 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015:

Sau khi nhận được đơn yêu cầu cùng với đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công ngay một Thẩm phán thụ lý giải quyết đơn yêu cầu.

Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết.

• Trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Khoản 10 và 11 Điều 114 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện.

(iv) Đối với việc thay đổi, bổ sung áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Khi xét thấy biện pháp khẩn cấp tạm thời đang được áp dụng không còn phù hợp mà cần thiết phải thay đổi hoặc áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời khác thì thủ tục thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời khác được thực hiện theo quy định.

(v) Đối với việc hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

• Tòa án ra ngay quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ;
– Người phải thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu;
– Nghĩa vụ dân sự của bên có nghãi vụ chấm dứt theo quy định của Bộ luật Dân sự;
– Việc giải quyết vụ án được đình chỉ theo quy định của Bộ luật này;
– Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng theo quy định của Bộ luật này;
– Căn cứ của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không còn;
– Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
– Các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo quy định của Bộ luật này.

Như vậy, tùy theo yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu phải cung cấp cho Tòa án chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Sau đó, Tòa án hay Hội đồng xét xử sẽ căn cứ vào đơn yêu cầu và tài liệu chứng cứ tùy từng trường hợp để ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trường hợp Tòa án cần thay đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa án cần kiểm tra và đối chiếu với trường hợp theo quy định để quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để phù hợp với vụ việc.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề “Thẩm quyền, trình tự, thủ tục của Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời”. Chúng tôi hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn đọc.

Trân trọng,