Với xu hướng nền kinh tế ngày càng phát triển và mở rộng, các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng gia tăng. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những tranh chấp thương mại phát sinh giữa các bên trong quá trình hợp tác kinh doanh, theo đó các bên cùng hướng tới giải quyết tranh chấp tại Trọng tài nước ngoài (căn cứ theo hợp đồng hợp tác đã ký có quy định về điều khoản giải quyết tranh chấp tại Trọng tài của quốc gia nào). Sau khi tranh chấp được giải quyết, Hội đồng Trọng tài sẽ ban hành phán quyết và phán quyết đó cần được thi hành tại lãnh thổ của bên phải thi hành. Theo đó, ngày nay xuất hiện sự gia tăng của những phán quyết của Trọng tài nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, trong bài viết này, chuyên gia của TNTP sẽ làm rõ trường hợp nào Tòa án tại Việt Nam không công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
1. Các trường hợp Tòa án không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài
Theo quy định tại Điều 459 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, những trường hợp Tòa án không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài bao gồm:
• Tòa án không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài khi xét thấy chứng cứ do bên phải thi hành cung cấp cho Tòa án để phản đối yêu cầu công nhận là có căn cứ, hợp pháp và phán quyết của Trọng tài nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:
– Các bên ký kết thỏa thuận trọng tài không có năng lực để ký kết thỏa thuận đó theo pháp luật được áp dụng cho mỗi bên;
– Thỏa thuận trọng tài không có giá trị pháp lý theo pháp luật của nước mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc theo pháp luật của nước nơi phán quyết đã được tuyên, nếu các bên không chọn pháp luật áp dụng cho thỏa thuận đó;
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành không được thông báo kịp thời và hợp thức về việc chỉ định Trọng tài viên, về thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại Trọng tài nước ngoài hoặc vì nguyên nhân chính đáng khác mà không thể thực hiện được quyền tố tụng của mình;
– Phán quyết của Trọng tài nước ngoài được tuyên về một vụ tranh chấp không được các bên yêu cầu giải quyết hoặc vượt quá yêu cầu của các bên ký kết thỏa thuận trọng tài. Trường hợp có thể tách được phần quyết định về vấn đề đã được yêu càu và phần quyết định về vấn đề không được yêu cầu giải quyết tại Trọng tài nước ngoài thì phần quyết định về vấn đề được yêu cầu giải quyết có thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
– Thành phần của Trọng tài nước ngoài, thủ tục giải quyết tranh chấp của Trọng tài nước ngoài không phù hợp với thỏa thuận trọng tài hoặc với pháp luật của nước nơi phán quyết của Trọng tài nước ngoài đã được tuyên, nếu thảo thuận trọng tài không quy định về các vấn đề đó;
– Phán quyết của Trọng tài nước ngoài chưa có hiệu lực bắt buộc đối với các bên;
– Phán quyết của Trọng tài nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của nước nơi phán quyết đã được tuyên hoặc của nước có pháp luật đã được áp dụng hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành;
• Phán quyết của Trọng tài nước ngoài cũng không được công nhận nếu Tòa án Việt Nam xét thấy:
– Theo pháp luật Việt Nam, vụ tranh chấp không được giải quyết theo thể thức trọng tài;
– Việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam đối với phán quyết của Trọng tài nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Việc không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài nếu chứng cứ do bên phải thi hành cung cấp cho Tòa án để phản đối yêu cầu công nhận là có căn cứ, hợp pháp cũng nhằm đảm bảo quá trình thi hành án được hiệu quả và có khả năng thực hiện, cũng như phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Vì không phải bất cứ phán quyết của Trọng tài nước ngoài nào cũng được tuyên dựa trên sự thật khách quan và đảm bảo quy trình, thủ tục tố tụng, hoặc không khả thi để được công nhận trên lãnh thổ Việt Nam khi có những nội dung không phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam hiện hành.
Như vậy, khi xem xét và giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài, Tòa án sẽ phải tuân thủ nguyên tắc theo quy định để làm cơ sở cho việc có ban hành quyết định công nhận hoặc không nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài hay không.
2. Khi nào phán quyết của Trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam?
• Công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài là một thủ tục tố tụng đặc biệt do Tòa án tiến hành nhằm xem xét để công nhận tính hiệu lực của phán quyết của Trọng tài nước ngoài trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
• Thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, theo đó, điều kiện để công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài được quy định như sau:
– Phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài;
– Phán quyết của Trọng tài nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.
Như vậy, để phán quyết của Trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi hành ở Việt Nam, phán quyết đó phải thỏa mãn đủ hai điều kiện trên. Khi một phán quyết của Trọng tài nước ngoài được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam thì phán quyết đó sẽ có “hiệu lực pháp luật” như quyết định của Tòa án Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, khi Tòa án được yêu cầu công nhận phán quyết trọng tài, Tòa án không chỉ được yêu cầu công nhận hiệu lực pháp lý của phán quyết mà còn phải đảm bảo phán quyết đó được thi hành.
Trên đây là bài viết của chuyên gia TNTP về “Trường hợp nào Tòa án tại Việt Nam không công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài?”. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp ích cho các bạn đọc.
Trân trọng,