Việc thanh toán trong hoạt động xây dựng trong nhiều trường hợp có thể không được thực hiện theo đúng nội dung tại hợp đồng. Khi một bên chậm thanh toán, quyền lợi của bên còn lại sẽ bị ảnh hưởng. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ đưa ra quan điểm của mình để trả lời câu hỏi khi chủ đầu tư chậm thanh toán thì nhà thầu cần làm gì?

1. Bên giao thầu và bên nhận thầu trong hoạt động xây dựng

• Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định 37/2015/NĐ-CP đề ngày 22/4/2015 (“Nghị định 37”) về giải thích từ ngữ, Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

• Đồng thời áp dụng Khoản 2 và Khoản 3 Nghị định 37, Bên giao thầu có thể là chủ đầu tư hoặc đại diện của chủ đầu tư. Bên nhận thầu là tổng thầu hoặc nhà thầu chính khi bên giao thầu là chủ đầu tư.

Như vậy trong Hợp đồng xây dựng mà Bên giao thầu là Chủ đầu tư thì Bên nhận thầu sẽ là Tổng thầu hoặc Nhà thầu chính.

Có thể thấy khi ký kết hợp đồng xây dựng mà Bên giao thầu là Chủ đầu tư và Bên nhận thầu là Nhà thầu. Chủ đầu tư là bên sử dụng dịch vụ của Nhà thầu trong một phần hoặc toàn bộ một số hoạt động trong hoạt động xây dựng bao gồm: Tư vấn, thi công xây dựng, lắp đặt, cung cấp thiết bị, thiết kế thi công, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình,… Sau khi Nhà thầu đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cung cấp dịch vụ đã ký kết, Chủ đầu tư có trách nhiệm thanh toán đúng hạn cho Bên nhận thầu theo Hợp đồng và quy định của pháp luật liên quan.

2. Thời hạn thanh toán trong hoạt động xây dựng

Theo quy định tại Khoản 10 Điều 19 Nghị định 37/2015/NĐ-CP về thời hạn thanh toán hợp đồng xây dựng. Theo đó, việc thanh toán cần đảm bảo các điều kiện sau:

• Thời hạn thanh toán do các bên thỏa thuận trong hợp đồng phù hợp với quy mô và tính chất của từng hợp đồng. Tuy nhiên thời hạn thanh toán không được kéo dài quá 14 ngày làm việc kể từ ngày bên giao thầu nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ theo thỏa thuận trong hợp đồng.

• Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thanh toán hợp lệ của bên nhận thầu, bên giao thầu phải hoàn thành các thủ tục và chuyển đề nghị thanh toán tới ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước phục vụ thanh toán.

• Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ của bên giao thầu, ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước phục vụ thanh toán phải chuyển đủ giá trị của lần thanh toán đó cho bên nhận thầu.

• Nghiêm cấm bên giao thầu không thanh toán đầy đủ hoặc không đúng thời hạn theo các thỏa thuận trong hợp đồng cho bên nhận thầu.

Như vậy, pháp luật đã quy định cụ thể về việc bên giao thầu có trách nhiệm thanh toán không được quá 14 ngày làm việc kể từ ngày bên giao thầu nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Do đó, trường hợp bên giao thầu là chủ đầu tư không thanh toán cho Nhà thầu trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ theo thỏa thuận trong hợp đồng là vi phạm thời hạn thanh toán theo quy định của pháp luật. Theo đó, tùy theo thỏa thuận tại Hợp đồng mà Nhà thầu có thể tiến hành các các hoạt động sau.

3. Các biện pháp mà Nhà thầu có thể thực hiện khi Chủ đầu tư chậm thanh toán

a) Tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng

Theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 40 Nghị định 37, Bên nhận thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng và kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng khi bên giao thầu vi phạm các thỏa thuận về thanh toán, cụ thể như: Không thanh toán đủ cho bên nhận thầu giá trị của giai đoạn thanh toán mà các bên đã thống nhất vượt quá 28 ngày kể từ ngày hết hạn thanh toán. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác

Như vậy, nếu các bên không có thỏa thuận khác liên quan đến thời hạn thanh toán hoặc điều kiện tạm dừng thực hiện hợp đồng khác với quy định của pháp luật thì trường hợp Chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho Nhà thầu trong 28 ngày kể từ ngày hết hạn thanh toán thì Nhà thầu có quyền tạm dừng việc thực hiện hợp đồng để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, cũng như thể hiện động thái cứng rắn để buộc Chủ đầu tư phải thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán đã cam kết tại Hợp đồng

b) Chấm dứt hợp đồng xây dựng

Theo quy định tại điểm c Khoản 8 Điều 41 Nghị định 37, Bên nhận thầu có quyền chấm dứt hợp đồng xây dựng khi Bên giao thầu không thanh toán cho bên nhận thầu sau năm mươi sáu (56) ngày kể từ ngày bên giao thầu nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Như vậy, nếu các bên không có thỏa thuận khác liên quan đến thời hạn thanh toán hoặc điều kiện chấm dứt hợp đồng khác với quy định của pháp luật thì trường hợp Chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho Nhà thầu sau 56 ngày kể từ ngày Chủ đầu tư nhận được đủ bộ hồ sơ thanh toán hợp lệ thì Nhà thầu có quyền chấm dứt hợp đồng xây dựng mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào khác (trong trường hợp các bên không có thỏa thuận khác).

c) Phạt vi phạm

Theo quy định tại Điều 42 Nghị định 37 thì Chủ đầu tư và Nhà thầu có quyền thỏa thuận về việc mức phạt vi phạm trong hợp đồng. Đối với các công trình vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công thì mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.

Như vậy, nếu các bên có thỏa thuận mức phạt vi phạm trong hợp đồng thì trường hợp Chủ đầu tư không thực hiện thanh toán, Nhà thầu có quyền yêu cầu Chủ đầu tư phải chịu mức phạt vi phạm hợp đồng tương ứng với thỏa thuận của các bên hoặc tối đa 12% nếu Dự án là công trình vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công.

d) Bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 43 Nghị định 37 thì trường hợp bên giao thầu thanh toán không đúng thời hạn và không đầy đủ theo thỏa thuận trong hợp đồng thì phải bồi thường cho bên nhận thầu theo lãi suất quá hạn do ngân hàng thương mại nơi bên nhận thầu mở tài khoản thanh toán công bố tương ứng với các thời kỳ chậm thanh toán. Lãi chậm thanh toán được tính từ ngày đầu tiên chậm thanh toán cho đến khi bên giao thầu đã thanh toán đầy đủ cho bên nhận thầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Như vậy, trường hợp Chủ đầu tư không thanh toán đugns hạn và không đầy đủ theo Hợp đồng cho Nhà thầu thì Nhà thầu có quyền yêu cầu Chủ đầu tư phải bồi thường cho bên nhận thầu theo lãi suất quá hạn do ngân hàng thương mại nơi Nhà thầu mở tài khoản thanh toán công bố tương ứng với các thời kỳ chậm thanh toán. Lãi chậm thanh toán sẽ được tính từ ngày đầu tiên Chủ đầu tư chậm thanh toán cho đến khi bên giao thầu đã thanh toán đầy đủ cho Nhà nhận thầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác tại Hợp đồng.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Chủ đầu tư chậm thanh toán, Nhà thầu cần làm gì?” Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Trân trọng,