Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế xảy ra ngày càng nhiều. Để giải quyết các tranh chấp này một cách hiệu quả, hòa giải có thể được áp dụng như một phương thức ưu tiên bởi tính linh hoạt, nhanh chóng, ít tốn kém, giúp duy trì và bảo vệ mối quan hệ kinh doanh giữa các bên. Trong bài viết này, TNTP sẽ đưa ra các nội dung cơ bản của phương thức hòa giải trong giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đến Quý độc giả.
1. Khái niệm hòa giải
Hòa giải là sự thương lượng được tiến hành với sự hỗ trợ của một bên thứ ba (bên thứ ba là bên không tham gia thương lượng). Đây là một phương thức giải quyết tranh chấp độc lập ngoài tòa án hay trọng tài. Hòa giải viên là bên thứ ba được các bên lựa chọn để hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp. Các bên có thể lựa chọn một hòa giải viên hoặc một hội đồng hòa giải viên gồm nhiều hòa giải viên. Trong quá trình hòa giải, hòa giải viên hoặc hội đồng hòa giải viên lắng nghe, phân tích, giải thích các vấn đề chưa rõ, chưa thống nhất giữa các bên, gợi mở các giải pháp tối ưu nhằm giải quyết tranh chấp và giúp các bên soạn thảo biên bản hòa giải thành nếu các bên thống nhất được phương án giải quyết tranh chấp.
2. Phân loại
Hòa giải được phân thành hai loại:
• Hòa giải vụ việc
Đối với hòa giải vụ việc, các bên tranh chấp tự lựa chọn bất kỳ bên thứ ba nào làm hòa giải viên. Các bên có thể tự thỏa thuận xây dựng thủ tục hòa giải hoặc lựa chọn các bộ quy tắc hòa giải của các Trung tâm hòa giải.
• Hòa giải thường trực
Hòa giải thường trực là việc tiến hành hòa giải tại một tổ chức hòa giải cụ thể do các bên lựa chọn. Tổ chức hòa giải này hoạt động thường xuyên, có điều lệ, quy chế hoạt động và quy tắc hòa giải riêng. Ngoài ra, các tổ chức này có bộ phận quản lý, điều hành và ban thư ký để hỗ trợ quá trình hòa giải.
3. Đặc điểm của hòa giải trong giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
• Chỉ tiến hành hòa giải khi các bên tranh chấp có thỏa thuận hòa giải
Thỏa thuận hòa giải có thể là một điều khoản trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hoặc thỏa thuận ngoài hợp đồng. Thỏa thuận hòa giải có thể được các bên lập trước khi ký kết hợp đồng, trong quá trình thực hiện hợp đồng hoặc sau khi tranh chấp xảy ra. Các bên có thể tham khảo điều khoản hòa giải mẫu của Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC).
• Hòa giải viên chỉ có vai trò hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp
Khi hòa giải, khả năng tranh chấp được giải quyết phụ thuộc phần nhiều vào sự tin tưởng của các bên đối với hòa giải viên. Hòa giải viên sẽ trợ giúp, gợi mở các vấn đề, khách quan, trung lập trong quá trình hòa giải mà không tiến hành phân xử. Các khuyến nghị, trợ giúp của hòa giải viên chỉ có sức thuyết phục nếu hòa giải viên có sự hiểu biết sâu rộng về nội dung tranh chấp, từ đó giúp các bên hiểu đúng, đầy đủ các vấn đề còn mâu thuẫn, tác động của các vấn đề đối với các bên. Trường hợp các bên hòa giải thành, biên bản hòa giải thành là sự phản ánh trung thực, đầy đủ những nội dung mà các bên đã thống nhất mà không phải quan điểm của hòa giải viên.
• Thủ tục hòa giải linh hoạt
Các bên có thể tự do thỏa thuận về thủ tục hòa giải, thay đổi nội dung của thủ tục tại bất kỳ thời điểm nào.
• Tính bảo mật cao
Nhằm tạo điều kiện cho các bên cởi mở hơn trong quá trình hòa giải, các thông tin trong quá trình hòa giải được giữ bí mật và không được sử dụng như là chứng cứ trong quá trình tố tụng tòa án, trọng tài, trừ một số trường hợp đặc biệt.
• Việc thực thi kết quả
Khi hòa giải thành, phương án giải quyết tranh chấp đã được thống nhất bởi ý chí của các bên mà không phải quyết định của bất kỳ bên thứ ba nào. Do vậy, hòa giải thành có thể được coi là một thỏa thuận mới giữa các bên và được thực thi trên cơ sở tự nguyện. Nhằm nâng cao hiệu quả của phương thức hòa giải, pháp luật đưa ra quy định về việc văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Kết quả hòa giải thành đã được Tòa án ra quyết định công nhận có giá trị pháp lý và các bên có thể yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành án như bản án, quyết định của Tòa án khác.
4. Quy tắc hòa giải và Luật mẫu về hòa giải thương mại quốc tế của UNCITRAL
UNCITRAL luôn coi việc hoàn thiện các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án như hòa giải là một trong những vấn đề cần được ưu tiên. Để tạo khung pháp luật thống nhất trên thế giới cho các bên khi tham gia thủ tục hòa giải, UNCITRAL đã xây dựng Quy tắc hòa giải năm 1980 và Luật mẫu về hòa giải thương mại quốc tế năm 2002.
• Quy tắc hòa giải của UNCITRAL
Quy tắc hòa giải của UNCITRAL bao gồm các nội dung cơ bản sau:
– Đề cao tính tự do và tự nguyện tại tất cả các bước trong quá trình hòa giải;
– Hòa giải viên hoạt động độc lập và vô tư, tuân thủ nguyên tắc khách quan, công bằng và công lý;
– Việc sử dụng các thủ tục trọng tài hay tòa án khi đang tiến hành hòa giải không được khuyến khích.
• Luật mẫu của UNCITRAL
Luật mẫu về hòa giải được xây dựng phần lớn dựa trên các quy định trong Quy tắc hòa giải. Các vấn đề cơ bản về hòa giải được Luật mẫu quy định như sau:
– Bắt đầu thủ tục hòa giải;
– Cách thức tiến hành hòa giải mà các bên có thể thỏa thuận;
– Lựa chọn/chỉ định hòa giải viên;
– Cung cấp thông tin;
– Giữ bí mật thông tin;
– Việc sử dụng chứng cứ;
– Chấm dứt thủ tục hòa giải.
Trên đây là bài viết “Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế bằng hòa giải” mà TNTP gửi đến Quý độc giả.
Trân trọng,