Khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thì các chủ thể có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vậy, cần đáp ứng điều kiện gì khi muốn khởi kiện vụ án dân sự về quyền tác giả, quyền liên quan? Hãy cùng TNTP tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
I. Quyền khởi kiện vụ án dân sự về quyền tác giả, quyền liên quan
Căn cứ Điều 56 Nghị định 22/2018/NĐ-CP Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi là “Nghị định 17/2023”) quy định về việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan như sau: Chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trực tiếp hoặc có thể ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan hoặc tổ chức, cá nhân khác để thực hiện và bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của mình. Bên được ủy quyền có trách nhiệm thông tin công khai để các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng liên hệ thỏa thuận về việc khai thác, sử dụng.
Điều này cũng được khẳng định tại Mục II.1 Thông tư liên tịch 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP quy định về quyền khởi kiện vụ án dân sự về quyền tác giả, quyền liên quan. Theo đó, những chủ thể sau có quyền khởi kiện:
Thứ nhất: Tác giả; chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan; người thừa kế hợp pháp của tác giả hoặc của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan; cá nhân, tổ chức được chuyển giao quyền của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan; cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm theo hợp đồng; người biểu diễn; nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình; tổ chức phát sóng;
Thứ hai: Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan hoặc tổ chức, cá nhân khác được chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ủy quyền.
Thứ ba: Cơ quan nhà nước, tổ chức liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.
II. Điều kiện khởi vụ án dân sự về quyền tác giả, quyền liên quan
Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự về quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Mục III.1 Thông tư liên tịch 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP. Theo đó, để khởi kiện vụ án dân sự về quyền tác giả, quyền liên quan cần đáp ứng hai điều kiện sau:
2.1 Thứ nhất, quyền tác giả, quyền liên quan đã phát sinh
• Khoản 1 và Khoản 2 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009 và 2019 (“Luật SHTT”) quy định về căn cứ phát sinh, xác lập quyền tác giả, quyền liên quan như sau:
– Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
– Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.
• Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có quyền nộp đơn để được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan theo quy định tại Điều 49 của Luật SHTT. Tuy nhiên, đây không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan.
• Khi có tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan mà đương sự khởi kiện yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ, thì Toà án phải xem xét mà không phân biệt việc họ đã có giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan hay chưa, họ đã nộp đơn hay chưa nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
2.2 Thứ hai, thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ
Thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Điều 27 và Điều 34 Luật SHTT. Theo đó, tùy thuộc vào từng loại hình tác phẩm mà thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan sẽ khác nhau.
Bởi lẽ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chỉ được thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản của mình trong phạm vi và thời hạn quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Nếu hết thời hạn bảo hộ thì các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan không còn được Nhà nước và pháp luật bảo hộ. Do đó, Toà án chỉ thụ lý đơn khởi kiện để giải quyết nếu các quyền đó vẫn còn trong thời hạn bảo hộ, trừ trường hợp pháp luật không quy định thời hạn bảo hộ đối với quyền tác giả.
Như vậy, để có thể khởi kiện vụ án dân sự về quyền tác giả, quyền liên quan, thì cần phải đáp ứng điều kiện về chủ thể khởi kiện và quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn trong thời hạn bảo hộ hay nói cách là vẫn còn thời hiệu khởi kiện. Thiếu một trong hai điều kiện nêu trên thì các tổ chức, cá nhân không thể thực hiện quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trên đây là nội dung bài viết “Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự khi phát sinh tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan”của TNTP. Hi vọng những thông tin chia sẻ nêu trên hữu ích đối với bạn đọc.
Trân trọng.