Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam, việc trừ lương của người lao động là một vấn đề nổi cộm, đặc biệt là khi xem xét tính pháp lý và công bằng của việc này. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu việc trừ lương có phải là phương pháp hợp lý và có công bằng cho cả hai bên hay không. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày những nội dung mà doanh nghiệp cũng như người lao động cần lưu ý đối với việc trừ lương người lao động.

1. Các trường hợp công ty được trừ lương:

• Căn cứ Điều 124 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định về các hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động gồm: Khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng, cách chức, sa thải.

• Đồng thời theo quy định tại khoản 2 Điều 127 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc nghiêm cấm người sử dụng lao động phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

Như vậy, mặc dù công ty, người sử dụng lao động có thể sử dụng những biện pháp kỷ luật để quản lý nhân sự và duy trì kỷ luật trong công ty nhưng hành vi khấu trừ tiền lương thay cho việc xử lý kỷ luật lao động là hành vi bị cấm khi xử lý kỷ luật lao động. Do đó, công ty không được trừ lương người lao động để xử lý kỷ luật.

• Tuy nhiên, trên thực tế có không ít trường hợp công ty, người chủ sử dụng lao động tự ý trừ lương người lao động một cách tùy tiện. Căn cứ theo Điều 102 của Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp chỉ được khấu trừ lương người lao động trong các trường hợp sau:

– Người lao động làm hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi gây thiệt hại tài sản của doanh nghiệp.

– Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao.

– Người lao tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động.

Theo đó, công ty chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của công ty, tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bổi thường thiệt hại.

2. Quy định về việc khấu trừ lương người lao động

Theo Điều 102 và Điều 129 Bộ luật Lao động 2019, việc khấu trừ lương người lao động để bồi thường thiệt hại cũng phải tuân thủ theo những quy định sau đây:

• Mức bồi thường thiệt hại:

– Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất nếu giá trị bồi thường thiệt hại không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương. Nhưng mức khấu không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm.

– Trường hợp làm tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường. Trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm.

– Trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.

• Thông báo lý do khấu trừ lương: Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình, việc trừ lương phải thông báo rõ ràng, minh bạch.

3. Xử lý vi phạm trong trường hợp công ty trừ lương người lao động trái quy định pháp luật.

• Theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, trừ các trường hợp được phép khấu trừ lương nêu tại mục 1, công ty có hành vi tự ý trừ lương người lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

• Đồng thời theo khoản 4 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi cắt lương thay cho việc xử lý kỷ luật lao động là: Buộc người sử dụng lao động trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động.

4. Giải pháp cho công ty

• Nâng cao nhận thức pháp luật: Công ty và người lao động cần được đào tạo về quy định pháp luật liên quan đến việc khấu trừ lương và kỷ luật lao động để tránh vi phạm và bảo vệ quyền lợi.

• Áp dụng quy trình công bằng: Quy trình xử lý kỷ luật và khấu trừ lương cần công bằng, minh bạch và nhất quán, đảm bảo người lao động có cơ hội giải thích và bảo vệ quyền lợi.

• Tham vấn ý kiến tư vấn của luật sư hoặc chuyên gia pháp lý: Công ty cũng như người lao động nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ luật sư hoặc chuyên gia pháp lý để được tư vấn và hỗ trợ về các vấn đề pháp lý liên quan đến lao động. Luật sư hoặc chuyên gia pháp lý có thể giúp công ty đánh giá và quản lý các rủi ro pháp lý, đảm bảo rằng mọi hoạt động đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Công ty cần tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật về khấu trừ lương để bảo vệ quyền lợi người lao động và duy trì môi trường làm việc công bằng, minh bạch. Việc áp dụng các biện pháp, quản lý minh bạch, quy trình xử lý kỷ luật công bằng hiệu quả, cùng với việc xây dựng môi trường làm việc tích cực và tham vấn ý kiến của luật sư hoặc chuyên gia pháp lý, sẽ giúp công ty phát triển bền vững và tạo dựng niềm tin từ người lao động.

Trên đây là bài viết “Công ty có được trừ lương người lao động không?” mà TNTP gửi đến Quý bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ.

Trân trọng,