Trong hoạt động của các doanh nghiệp, việc phát sinh các khoản công nợ là điều gần như không thể tránh khỏi. Cũng như các ngành nghề khác trong xã hội, lĩnh vực xây dựng cũng thường xuyên phát sinh các khoản công nợ giữa các bên tại các giai đoạn khác nhau của dự án. Trong truòng hợp bên nợ không thiện chí thanh toán khoản nợ thì doanh nghiệp cần phải làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ đưa ra ý kiến để trả lời câu hỏi trên.
1. Biểu hiện việc bên nợ không thiện chí thanh toán được thể hiện như thế nào?
Thông thường, biểu hiện của việc bên nợ không thiện chí thanh toán nợ thường thể hiện ở việc khi đến thời hạn thanh toán, bên nợ không tự nguyện thanh toán, hoặc sau khi đã được doanh nghiệp nhắc nhở nhưng vẫn không phản hồi, hoặc có phản hồi hoặc cam kết nhưng sau đó lại không thực hiện. Một số trường hợp bên nợ ban đầu thanh toán, nhưng sau kh thanh toán một khoản tiền thì tiếp tục chây ỳ và không tiếp tục thanh toán khoản nợ còn lại. Khi xảy ra một trong các trường hợp trên thì doanh nghiệp nên tiến hành các biện pháp thu hồi nợ cần thiết, vì khi đó bên nợ đã có dấu hiệu trốn tránh và không thiện chí thanh toán khoản nợ.
2. Các công việc cần thực hiện khi bên nợ không thiện chí thanh toán nợ
a) Gửi thư yêu cầu thanh toán
Việc doanh nghiệp nhiều lần yêu cầu bên nợ thông qua liên hệ điện thoại, email đều không có giá trị bằng việc gửi văn bản yêu cầu thanh toán với tư cách doanh nghiệp đến trụ sở của bên nợ. Nội dung của Thư yêu cầu thanh toán bao gồm: Nội dung khoản nợ yêu cầu thanh toán, thời hạn thanh toán hoặc phản hồi, và các biện pháp có thể tiến hành như khởi kiện nếu bên nợ không hợp tác thanh toán đúng nội dung Thư yêu cầu thanh toán. Như vậy có thể hiểu rằng việc gửi Thư yêu cầu thanh toán này có thể được coi là “tối hậu thư” đối với bên nợ nhằm cảnh báo sẽ tiến hành các biện pháp mạnh tay để thu hồi nợ thay vì việc thương lượng đơn thuần.
Việc gửi Thư yêu cầu thanh toán nên được doanh nghiệp triển khai ngay sau khi bên nợ có dấu hiệu không thiện chí thanh toán khoản nợ và thời hạn phản hồi tối đa là 1 tháng kể từ thời điểm gửi thư để hạn chế tối đa rủi ro có thể gặp phải cũng như xem xét triển khai việc khởi kiện càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo khả năng thu hồi công nợ thành công.
b) Tiến hành khởi kiện tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp
Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp có quyền khởi kiện đến các cơ quan giải quyết tranh chấp để giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực dân sự. Theo đó, do việc phát sinh công nợ giữa doanh nghiệp và bên nợ trong lĩnh vực xây dựng là tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực dân sự nên sẽ được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền và Trung tâm trọng tài thương mại. Cụ thể:
• Khởi kiện tại Trung tâm Trọng tài thương mại
Việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp phù hợp để thu hồi công nợ phụ thuộc vào nội dung của Hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa các bên, cụ thể: Để khởi kiện tại Trung tâm Trọng tài thương mại thì trong nội dung hợp đồng, các bên phải thỏa thuận về việc lựa chọn Trung tâm Trọng tài thương mại để giải quyết nếu có tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện Hợp đồng (“được gọi là Thỏa thuận trọng tài”). Nếu các bên không có Thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng thì không thể khởi kiện tại Trung tâm Trọng tài thương mại.
Sau khi Trung tâm Trọng tài thương mại giải quyết vụ việc và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của doanh nghiệp thì Trung tâm Trọng tài thương mại sẽ ban hành Phán quyết trọng tài buộc bên nợ phải thanh toán khoản nợ và các nghĩa vụ khác cho doanh nghiệp.
• Khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền
Đối với việc khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền đơn giản hơn, vì nếu trong hợp đồng hoặc thỏa thuận của các bên không có thỏa thuận trọng tài thì cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ là tòa án có thẩm quyền. Việc khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền được thực hiện theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự, theo đó doanh nghiệp cần xác định chính xác tòa án có thẩm quyền thụ lý, nếu không Đơn khởi kiện của doanh nghiệp có thể bị tòa án trả lại.
Sau khi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của doanh nghiệp thì Tòa án sẽ ban hành Bản án hoặc Quyết định buộc bên nợ phải thanh toán khoản nợ và các nghĩa vụ khác cho doanh nghiệp.
Sau khi quá trình xét xử hoàn tất và bản án có hiệu lực pháp luật, doanh nghiệp có thể tiến hành nộp Đơn đề nghị thi hành án đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành các biện pháp pháp lý cần thiết để thu hồi công nợ. Cơ quan thi hành án sẽ nhân danh quyền lực nhà nước để tiến hành các biện pháp thu hồi công nợ cần thiết nhằm đảm bảo việc bên nợ buộc phải thanh toán khoản nợ.
Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Có thể làm gì khi bên nợ trong lĩnh vực xây dựng không thiện chí thanh toán?”. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho các độc giả.
Trân trọng.