Phát sinh công nợ trong lĩnh vực xây dựng là điều thường xuyên xảy ra và có thể ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của các bên. Do đó, việc thu hồi công nợ trong lĩnh vực xây dựng là điều vô cùng quan trọng và có tác động lớn đến dòng tiền của doanh nghiệp hoặc của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ đưa ra quan điểm về thời điểm như thế nào được coi là thuận lợi khi thu hồi công nợ trong lĩnh vực xây dựng.
1. Thế nào là công nợ trong lĩnh vực xây dựng?
Lĩnh vực xây dựng bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau có liên quan và tác động lẫn nhau, từ nguyên vật liệu, kiến trúc, kết cấu công trình, bất động sản, địa chính,… Theo đó, các khoản công nợ phát sinh trong lĩnh vực xây dựng cũng rất đa dạng và phức tạp. Tuy nhiên TNTP sẽ chỉ đề cập đến các khoản công nợ trong việc thực hiện các dự án bất động sản thương mại– một trong những hoạt động thường xuyên phát sinh công nợ khó thu hồi.
Chủ thể phát sinh công nợ trong lĩnh vực xây dựng có thể từ Chủ đầu tư, các nhà thầu phụ xây dựng, bên môi giới bất động sản, bên cung cấp vật liệu xây dựng và cả các nhà đầu tư tổ chức hoặc cá nhân. Các giai đoạn phát sinh công nợ có thể phát sinh từ trước khi dự án được phê duyệt, trong giai đoạn thực hiện dự án, khi nghiệm thu dự án và kể cả khi dự án đã và đang được mở bán.
2. Thời điểm thuận lợi khi thu hồi công nợ trong lĩnh vực xây dựng
Do lĩnh vực xây dựng rất rộng và bao gồm nhiều chủ thể khác nhau tham gia, do đó thời điểm thuận lợi để thu hồi công nợ sẽ phụ thuộc vào nhiều tiêu chí đánh giá khác nhau như: mối quan hệ đang phát sinh công nợ, chủ thể phát sinh công nợ, số lượng và thời gian phát sinh khoản nợ. Cụ thể:
a) Theo mức độ hoàn thành dự án
Dựa trên mức độ hoàn thành của dự án xây dựng, thời điểm thuận lợi để thu hồi công nợ nên là trước thời điểm dự án được hoàn thành, khi đó các bên đều đã chuẩn bị tiến hành công tác nghiệm thu và có căn cứ cho quá trình thực hiện dự án của mình. Thời điểm này cũng sẽ dễ dàng xác định trách nhiệm của các bên nếu dự án có vấn đề như chất lượng hay tiến độ căn cứ vào nội dung hợp đồng. Đối với những chủ đầu tư thì thời điểm này sẽ là giai đoạn tổng kết và kiểm tra quá trình thực hiện dự án đối với các nhà thầu xây dựng phụ trách, nếu dự án có bất cứ vấn đề phát sinh nào thì chủ đầu tư có thể căn cứ vào các vấn đề này để yêu cầu nhà thầu giải trình hoặc khấu trừ vào chi phí thanh toán nếu phát sinh thiệt hại, hoặc tiến độ dự án bị chậm ảnh hưởng đến giai đoạn đưa dự án vào kinh doanh.
b) Theo mức độ quan trọng của dự án xây dựng
Trong một dự án xây dựng sẽ có nhiều hạng mục với mức độ quan trọng khác nhau, theo đó, trường hợp thi công một hạng mục được xem là quan trọng thì các bên cần cân nhắc về việc giải quyết công nợ ngay càng sớm càng tốt để phòng ngừa các rủi ro ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và tiến độ của công trình. Khi một khoản công nợ tại các hạng mục quan trọng chưa được giải quyết thì dự án có thể đối mặt với việc thiếu hụt nguyên vật liệu, không đủ nhân công, đơn vị thi công dự án có thể dẫn đến việc dự án bị chậm hoặc không đảm bảo chất lượng do các bên liên quan có thể phát sinh mâu thuẫn vì không được thanh toán nợ đúng hạn.
Việc phát sinh công nợ tại các thời điểm quan trọng của dự án có thể do nhiều nguyên nhân như giá nguyên vật liệu tăng cao dẫn đến nhà cung cấp không đảm bảo được số lượng và chât lượng hàng hóa cho nhà thầu xây dựng theo đúng cam kết, quá trình giải ngân của ngân hàng bị chậm do dòng tiền của ngân hàng bị biến động do tác động thị trường, hoặc các bên chưa xác định đúng tầm quan trọng của các giai đoạn này dẫn đến việc dòng tiền không tập trung để có thể được huy động đúng thời điểm. Dù nguyên nhân là gì thì việc phát sinh công nợ trong các giai đoạn quan trọng của dự án xây dựng cũng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ dự án, hoặc thậm chí là cả sự vận hành của các doanh nghiệp, nên doanh nghiệp cần tiến hành giải quyết các khoản công nợ càng sớm càng tốt trong các trường hợp như vậy.
c) Theo khả năng tài chính của bên nợ
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp chỉ có khả năng thanh toán nếu các doanh nghiệp còn khả năng duy trì hoạt động và dòng tiền của mình. Không một doanh nghiệp nào có thể thanh toán khoản nợ khi họ còn không thể duy trì hoạt động của mình. Tương tự trong lĩnh vực xây dựng, các doanh nghiệp nên cân nhắc tiến hành các biện pháp cần thiết để thu hồi khoản nợ đối với những bên nợ đang có khả năng tài chính tốt, và lưu ý các bên nợ đang có dấu hiệu phá sản, ngừng hoạt động.
Các doanh nghiệp cần tiến hành các biện pháp cần thiết để xác định khả năng tài chính của bên nợ nhằm xác định một bên nợ có khả năng hoạt động tốt hay không, có thể là việc thông qua các đối tác hoặc ngân hàng để biết bên nợ có đang phát sinh nhiều khoản nợ không thể thanh toán hay bất cứ tranh chấp với các doanh nghiệp khác hay không. Sau khi xác định được khả năng tài chính của bên nợ, doanh nghiệp có thể tiến hành các biên pháp thu hồi nợ cần thiết để đảm bảo khoản nợ được thanh toán hiệu quả nhất.
Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề “Thời điểm thuận lợi khi thu hồi công nợ trong lĩnh vực xây dựng”. Mong rằng bài viết này có ích với các độc giả.
Trân trọng,