Hợp đồng thuê khoán tài sản là một dạng của hợp đồng dân sự nói chung và một dạng đặc biệt của hợp đồng thuê tài sản nói riêng, do đó vừa mang những đặc điểm chung của hợp đồng dân sự vừa mang những đặc điểm cơ bản của hợp đồng thuê tài sản. Mặc dù là một dạng đặc biệt của hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng thuê khoán tài sản tồn tại những điểm khác biệt so với hợp đồng thuê tài sản. Trong bài viết này, TNTP sẽ so sánh hai loại hợp đồng này, từ đó người đọc có thể cân nhắc lựa chọn loại hợp đồng phù hợp với mục đích giao kết của mình.
1. Điểm giống nhau
Thứ nhất, cả hai loại hợp đồng đều là hợp đồng song vụ. Hợp đồng song vụ được hiểu là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau. Theo đó, bên cho thuê giao tài sản và chuyển quyền sử dụng, khai thác tài sản cho bên thuê. Trên cơ sở tiếp nhận tài sản từ bên cho thuê, bên thuê sẽ tiến hành khai thác công dụng từ tài sản theo thỏa thuận giữa các bên. Bên thuê có nghĩa vụ thanh toán tiền thuê và giao lại tài sản cho bên cho thuê khi hết thời hạn thuê.
Thứ hai, cả hai loại hợp đồng có tính đền bù. Bên thuê phải trả tiền cho bên cho thuê theo thỏa thuận của các bên hoặc theo các phương pháp xác định giá được pháp luật quy định. Thời điểm thanh toán tiền thuê tài sản xác định theo thỏa thuận của các bên hoặc tập quán cho thuê tài sản được áp dụng phổ biến tại địa phương hoặc theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, cả hai loại hợp đồng chỉ chuyển giao quyền sử dụng tài sản. Khi hợp đồng có hiệu lực pháp luật thì bên thuê có quyền sử dụng tài sản theo đúng mục đích mà các bên đã thỏa thuận trong một thời gian nhất định. Trong thời gian này, bên thuê chỉ có quyền khai thác công dụng của tài sản, còn quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về bên cho thuê. Hết thời hạn thuê, bên thuê có nghĩa vụ giao lại tài sản cho bên cho thuê.
2. Điểm khác nhau
Thứ nhất, về đối tượng của hợp đồng.
Hợp đồng thuê tài sản có đối tượng là tài sản nói chung, bao gồm vật, tiền giấy tờ có giá và quyền tài sản. Trong khi đó, đối tượng của hợp đồng thuê khoán tài sản có phạm vi hẹp hơn, bao gồm đất đai, rừng, mặt nước chưa khai thác, gia súc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tư liệu sản xuất khác cùng trang thiết bị cần thiết khác.
Thứ hai, về mục đích của hợp đồng.
Mục đích thực hiện hợp đồng thuê tài sản sẽ rộng hơn so với mục đích thực hiện hợp đồng thuê khoán tài sản. Đối với hợp đồng thuê tài sản, các bên có thể hướng tới bất kỳ mục đích nào, miễn là mục đích đó không trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội, có thể là để đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt, nhu cầu kinh doanh. Còn đối với hợp đồng thuê khoán tài sản, các chủ thể hướng tới mục đích phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Bên thuê sẽ được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản thuê khoán.
Thứ ba, về thời hạn thuê.
Đối với hợp đồng thuê tài sản, thời hạn thuê do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì được xác định theo mục đích thuê. Đối với hợp đồng thuê khoán tài sản, thời hạn thuê khoán do các bên thỏa thuận; trường hợp không có thỏa thuận hoặc có thỏa thuận nhưng không rõ ràng thì thời hạn thuê khoán được xác định theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh phù hợp với tính chất của đối tượng thuê khoán. Như vậy, cả hai loại hợp đồng này đều ưu tiên sự thỏa thuận của các bên đối với thời hạn thuê. Sự khác biệt về cách xác định thời hạn thuê chỉ thể hiện khi các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về thời hạn thuê.
Thứ tư, về giá thuê.
Đối với hợp đồng thuê tài sản, giá thuê do các bên thỏa thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì giá thuê được xác định theo giá thị trường tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng thuê. Đối với hợp đồng thuê khoán tài sản, giá thuê khoán do các bên thỏa thuận; nếu thuê khoán thông qua đấu thầu thì giá thuê khoán là giá được xác định theo kết quả đấu thầu.
Thứ năm, về tiền thuê và phương thức trả tiền thuê.
Đối với hợp đồng thuê tài sản, Bộ luật Dân sự 2015 (“BLDS 2015”) chỉ quy định về nghĩa vụ trả tiền thuê của bên thuê tài sản mà không quy định cụ thể về các hình thức của tiền thuê. Đối với hợp đồng thuê khoán tài sản, BLDS 2015 quy định về việc tiền thuê khoán có thể là hiện vật, tiền hoặc việc thực hiện một công việc. Trường hợp bên thuê khoán phải trả hiện vật theo thời vụ hoặc theo chu kỳ khai thác công dụng của tài sản thuê khoán thì phải trả vào thời điểm kết thúc thời vụ hoặc kết thúc chu kỳ khai thác, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên thuê khoán phải thực hiện một công việc thì phải thực hiện đúng công việc đó. Mặc dù BLDS 2015 không quy định cụ thể về các hình thức của tiền thuê, tuy nhiên, các bên có thể thỏa thuận về việc tiền thuê là hiện vật, tiền hoặc việc thực hiện một công việc tương tự với hợp đồng thuê khoán tài sản.
Về thời hạn trả tiền thuê, BLDS 2015 đều ưu tiên việc thỏa thuận của các bên trong cả hai loại hợp đồng. Tuy nhiên, đối với trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn trả tiền thuê, hai loại hợp đồng này có sự khác biệt nhất định. Đối với hợp đồng thuê tài sản, trường hợp không có thỏa thuận, thời hạn trả tiền thuê được xác định theo tập quán nơi trả tiền; nếu không thể xác định được thời hạn theo tập quán thì bên thuê phải trả tiền khi trả lại tài sản thuê. Đối với hợp đồng thuê khoán tài sản, trường hợp các bên không có thỏa thuận thì bên thuê khoán phải thanh toán vào ngày cuối cùng của mỗi tháng; trường hợp thuê khoán theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh thì phải thanh toán chậm nhất khi kết thúc chu kỳ sản xuất, kinh doanh đó.
Như vậy, các đặc điểm của hợp đồng thuê tài sản luôn có phạm vi rộng hơn, bao trùm lên các đặc điểm của hợp đồng thuê khoán tài sản. Tuy nhiên, hợp đồng thuê khoán tài sản cũng có những điểm đặc trưng và được BLDS 2015 cụ thể hóa hơn so với hợp đồng thuê tài sản.
Trên đây là nội dung bài viết “So sánh hợp đồng thuê tài sản và hợp đồng thuê khoán tài sản” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Hi vọng những chia sẻ nêu trên hữu ích đối với những ai đang quan tâm đến vấn đề này.
Trân trọng,