Thời gian gần đây, hàng loạt những vụ việc liên quan đến những kênh phân phối bảo hiểm thông qua ngân hàng (Bancassurance) có những biểu hiện áp buộc, lừa dối khách hàng tham gia mua bảo hiểm nhân thọ đang ngày càng nhận được sự chú ý của các phương tiện truyền thông và những cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ đưa ra góc nhìn của mình về những bất cập từ hoạt động Bancassurance tại Việt Nam hiện nay.
1. Hoạt động Bancassurance là gì?
Bancassurance là thuật ngữ kết hợp của từ: “Banking” (Ngân hàng) và “Assurance”(Bảo hiểm). Đây là hoạt động kinh doanh hợp tác giữa công ty bảo hiểm và một ngân hàng mà mục tiêu tạo ra một kênh phân phối sản phẩm dịch vụ chung giữa hai dịch vụ bảo hiểm và ngân hàng cho khách hàng. Hiện tại ở Việt Nam, hoạt động Bancassurance thường được hiểu đơn gian là việc các ngân hàng ngoài hoạt động cho vay và cho gửi tiết kiệm còn tiến hành tư vấn và bán bảo hiểm cho khách hàng.
2. Hoạt động Bancassurance tại Việt Nam
Bancassurance đã có mặt tại Việt Nam từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, hiện nay thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đã phát triển rất sôi động với hàng loạt những thương hiệu lớn như Bảo Việt Nhân thọ; Prudential; Manulife; AIA,… với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Tuy hoạt động bảo hiểm nhân thọ hiện nay đem lại nguồn thu lớn cho nhân sách và đáp ứng nhu cầu không nhỏ của xã hội, tuy nhiên thời điểm gần đây hoạt động Bancassurance đang phát sinh nhiều bất cập ảnh hưởng đến trật tự xã hội và niềm tin của các khách hàng với dịch vụ bảo hiểm. Cụ thể:
a) Nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ
Hiện nay, nhiều khách hàng tới các ngân hàng vay vốn, tuy nhiên khi lập hồ sơ thì các nhân viên ngân hàng đã gây khó dễ và đưa ra các tư vấn buộc khách hàng phải lựa chọn việc mua các gói bảo hiểm nhân thọ để được vay, hoặc nếu mua bảo hiểm sẽ được hưởng lãi suất thấp hơn,…
Ngoài ra, khi ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm, nếu khách hàng hủy ngang sẽ bị áp dụng các điều khoản phạt hoặc tăng lãi suất gây ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng. Điều này khiến nhiều khách hàng ngậm ngùi tiếp tục đóng phí bảo hiểm hằng năm, mặc dù có thể họ không thực sự hiểu hoặc không thực sự cần mua bảo hiểm mà chỉ để việc vay vốn của mình được thuận lợi hơn.
b) Ngân hàng tư vấn bảo hiểm không rõ ràng nhằm tạo niềm tin cho khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm
Nhiều trường hợp khách hàng vay vốn bị ngân hàng tư vấn đưa ra những thông tin hấp dẫn như lãi suất bảo hiểm cao hơn so với lãi suất ngân hàng để “mời chào” khách hàng tiến hành mua thêm các gói bảo hiểm không thực sự cần thiết hoặc không phù hợp với khách hàng, hoặc thậm chí nhân viên ngân hàng cố tình tư vấn để khách hàng hiểu nhầm bản chất của hoạt động bảo hiểm và cho rằng mình đang tiến hành đầu tư thông qua việc mua gói bảo hiểm nhân thọ.
Hậu quả là sau một khoảng thời gian nhân viên ngân hàng cam kết sẽ có lời hoặc đủ điều kiện được rút tiền “lợi nhuận” bảo hiểm nhưng sau đó khách hàng phát hiển ra ngân hàng không có các chính sách như vậy, hoặc nội dung của các điều khoản theo cam kết của ngân hàng yêu cầu thêm các điều kiện khác để đáp ứng trước khi khách hàng có thể được nhận khoản “lợi nhuận” thì người mua mới nhận ra mình đã bị nhân viên tư vấn “lừa” ký bảo hiểm với hàng loạt những ràng buộc mà không thể được chấm dứt dễ dàng. Trong trường hợp nếu khách hàng vẫn kiên quyết muốn chấm dứt hợp đồng bảo hiểm cũng sẽ không thể lấy lại được số tiền phí bảo hiểm đã nộp, ngược lại khách hàng còn có thể bị phạt vì đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Có thể thấy với hàng loạt các vụ việc liên quan đến Bancassurance, nhiều khách hàng đã dần mất niềm tin đối với hoạt động này, tuy nhiên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Ngân hàng Nhà nước; Thanh tra các Bộ, Ban, Ngành và Bộ Tài chính cũng đã tiến hành các biện pháp cần thiết để thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm để bảo đảm trật tự xã hội cũng như hoạt động của ngành ngân hàng và bảo hiểm hiện nay.
Trên đây là bài viết của TNTP về: “ Những bất cập từ hoạt động Bancassurance tại Việt Nam hiện nay”. Mong rằng bài viết này có ích với các độc giả.
Trân trọng,