Hợp đồng mượn tài sản là một loại hợp đồng dân sự thông dụng, và hiện nay loại hợp đồng này cũng ngày càng được biết đến rộng rãi và được các bên sử dụng vì nhiều mục đích khác nhau. Bài viết dưới đây, TNTP gửi đến bạn một số lưu ý khi soạn thảo hợp đồng mượn tài sản.
I. Hợp đồng mượn tài sản là gì?
Căn cứ Điều 494 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng mượn tài sản được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn hoặc khi mục đích mượn đã đạt được.
Bản chất của hợp đồng mượn tài sản là chuyển giao tài sản để bên mượn sử dụng trong một thời hạn nhất định, hết thời hạn sẽ trả lại cho bên cho mượn đúng tài sản đó. Vì vậy, đối tượng của hợp đồng này là tất cả những tài sản không tiêu hao như vàng, bạc, ô tô, xe máy, tivi, tủ lạnh,v.v…
II. Đặc điểm của hợp đồng mượn tài sản
(i) Đối tượng của hợp đồng mượn tài sản là tài sản không tiêu hao. Theo đó, tài sản không tiêu hao được hiểu là vật được sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu. Sau khi sử dụng tài sản mượn, bên mượn phải trả lại đúng tài sản đã mượn cho bên cho mượn. Nếu tài sản mượn bị mất, hư hỏng thì bên mượn phải bồi thường thiệt hại cho bên cho mượn.
(ii) Không có sự chuyển dịch về quyền sở hữu tài sản trong hợp đồng mượn tài sản.
(iii) Hợp đồng mượn tài sản là hợp đồng song vụ. Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau.
(iv) Hợp đồng mượn tài sản là hợp đồng không có đền bù bởi bên mượn không phải trả lợi ích vật chất khi sử dụng tài sản mượn của bên cho mượn.
III. Soạn thảo hợp đồng mượn tài sản
Để đảm bảo quyền lợi của các bên cũng như hạn chế tranh chấp có thể xảy ra, khi soạn thảo hợp đồng mượn tài sản cần đảm bảo hợp đồng bao gồm các điều khoản cơ bản như sau:
(1) Soạn thảo chi tiết, rõ ràng thông tin của các bên tham gia ký kết hợp đồng. Cụ thể, hợp đồng cần thể hiện rõ các thông tin về họ tên, địa chỉ, căn cước công dân (nếu là cá nhân), mã số thuế (nếu là pháp nhân), thông tin liên lạc (số điện thoại, email),… của bên mượn và bên cho mượn.
Khi giao kết hợp đồng, các bên cần đặc biệt lưu ý về tư cách chủ thể của bên mượn và bên cho mượn. Theo đó, chủ thể giao kết hợp đồng phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp khi giao kết hợp đồng mượn tài sản. Việc xác định năng lực hành vi dân sự của các bên có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đây là điều kiện đầu tiên để xác định hợp đồng mượn tài sản có được giao kết hợp pháp hay không, có hiệu lực pháp luật pháp luật hay không. Do đó, bên mượn và bên cho mượn phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo đúng quy định của pháp luật.
(2) Quy định rõ về đối tượng của hợp đồng. Cụ thể, các bên cần thỏa thuận rõ trong hợp đồng về loại tài sản, số lượng, chất lượng, tình trạng của tài sản. Ví dụ, nếu đối tượng của hợp đồng là tivi, các bên cần mô tả chi tiết những đặc điểm như thương hiệu, tình trạng mới hay cũ, giá trị của chiếc tivi,…
(3) Thỏa thuận rõ về thời hạn của hợp đồng. Các bên được tự do thỏa thuận về thời hạn của hợp đồng mượn tài sản. Trường hợp các bên không thỏa thuận cụ thể về thời hạn mượn thì bên cho mượn có quyền đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích. Tuy nhiên, bên cho mượn vẫn có quyền đòi lại tài sản kể cả khi chưa đến hạn của hợp đồng hoặc khi bên mượn chưa đạt được mục đích sử dụng trong trường hợp bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý. Thời gian hợp lý sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.
(4) Các bên có thể cân nhắc tình hình thực tế để soạn thảo quyền và nghĩa vụ của mình. Các bên có thể tham khảo một số nội dung cơ bản như sau:
● Bên mượn tài sản có các quyền sau: Được sử dụng tài sản mượn theo đúng công dụng của tài sản và đúng mục đích đã thỏa thuận; yêu cầu bên mượn thanh toán chi phí hợp lý về việc sửa chữa hoặc làm tăng giá trị tài sản mượn; và không phải chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên của tài sản mượn.
● Bên mượn tài sản có các nghĩa vụ sau: Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa; không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn; trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được; bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn và bên mượn phải chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả.
● Bên cho mượn tài sản có các quyền sau: Được quyền đòi lại tài sản mượn ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn; nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý; đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn; và yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do bên mượn gây ra.
● Bên cho mượn tài sản có các nghĩa vụ sau: Cung cấp thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản và khuyết tật của tài sản; thanh toán cho bên mượn chi phí sửa chữa, chi phí làm tăng giá trị tài sản; và bồi thường thiệt hại cho bên mượn nếu biết tài sản có khuyết tật mà không báo cho bên mượn biết dẫn đến gây thiệt hại cho bên mượn, trừ những khuyết tật mà bên mượn biết hoặc phải biết.
(5) Thỏa thuận rõ về mục đích sử dụng tài sản mượn. Theo quy định của pháp luật, bên cho mượn tài sản có quyền đòi lại tài sản nếu bên mượn sử dụng không đúng mục đích như đã thỏa thuận, hoặc bên mượn phải trả lại tài sản cho bên cho mượn ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích sử dụng. Như vậy, việc thỏa thuận về mục đích sử dụng tài sản sẽ liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Vì vậy, điều khoản này cần được các bên cân nhắc và thỏa thuận rõ trong hợp đồng.
Bên cạnh đó, các bên nên thỏa thuận về chế tài xử phạt trong trường hợp một trong các bên vi phạm hợp đồng như chế tài bồi thường thiệt hại hoặc phạt vi phạt. Ngoài ra, điều khoản giải quyết tranh chấp cũng là một nội dung vô cùng quan trọng. Theo đó, đối với điều khoản giải quyết tranh chấp, các bên có thể thỏa thuận tranh chấp sẽ được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải. Nếu tranh chấp không được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải, các bên có thể khởi kiện tại Trọng tài hoặc Tòa án.
Trên đây là nội dung bài viết “Kỹ thuật soạn thảo hợp đồng mượn tài sản” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ tốt nhất.
Trân trọng,