Trong các Hợp đồng mua bán hàng hóa, Hợp đồng nguyên tắc,… điều khoản giải quyết tranh chấp có thể được quy định là “trong trường hợp tranh chấp không thể giải quyết bằng thương lượng, một trong các bên có thể giải quyết tranh chấp tại Trọng tài”. Thỏa thuận này được gọi là Thỏa thuận Trọng tài. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài bởi sự hiệu quả, linh hoạt, tiết kiệm thời gian của phương thức này. Tuy nhiên, do sự sơ suất trong quá trình soạn thảo và doanh nghiệp không kiểm tra giá trị pháp lý của Thỏa thuận Trọng tài nên Thỏa thuận Trọng tài có thể bị vô hiệu. Trong bài viết hôm nay, chúng tôi xin đề cập và phân tích rõ hơn về Thỏa thuận Trọng tài vô hiệu.
1. Thỏa thuận Trọng tài là gì?
- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010, Thỏa thuận Trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh. Như vậy, tranh chấp thương mại chỉ được giải quyết theo phương thức Trọng tài chỉ khi có thỏa thuận trọng tài giữa các bên tranh chấp. Thỏa thuận Trọng tài có thể lập trước, đang hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
- Thỏa thuận Trọng tài được lập bằng văn bản thể hiện ý chí các bên trong giải quyết tranh chấp.
- Thỏa thuận Trọng tài có thể được thể hiện bằng một điều khoản Trọng tài trong hợp đồng xác lập quan hệ thương mại giữa các bên hoặc dưới hình thức một thỏa thuận riêng và được coi như gắn liền với hợp đồng chính hoặc chứng cứ xác định ý chí của các bên muốn giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài.
2. Khi nào Thỏa thuận Trọng tài vô hiệu?
Thỏa thuận Trọng tài sẽ vô hiệu trong các trường hợp sau đây:
- Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài
Để tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài thương mại và Thỏa thuận Trọng tài không bị vô hiệu thì tranh chấp phát sinh phải thuộc lĩnh vực giải quyết của Trọng tài bao gồm:
– Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;
– Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại;
– Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
- Người xác lập Thỏa thuận Trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật
Thông thường việc ký kết Hợp đồng hoặc Thỏa thuận Trọng tài sẽ do Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc Người đại diện theo ủy quyền có thẩm quyền thực hiện.
Về nguyên tắc Thỏa thuận Trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập thì Thỏa thuận Trọng tài đó vô hiệu. Trường hợp Thỏa thuận Trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập nhưng trong quá trình xác lập, thực hiện Thỏa thuận Trọng tài hoặc trong tố tụng trọng tài mà người có thẩm quyền xác lập Thỏa thuận Trọng tài đã chấp nhận hoặc đã biết mà không phản đối thì Thỏa thuận Trọng tài không vô hiệu.
- Người xác lập Thỏa thuận Trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự
Năng lực hành vi dân sự được hiểu là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Người xác lập Thỏa thuận Trọng tài không có năng lực hành vi dân sự bao gồm:
- Người chưa thành niên.
- Mất năng lực hành vi dân sự.
- Người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.
- Hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Trong trường hợp này thì Tòa án cần thu thập chứng cứ để chứng minh người xác lập Thỏa thuận Trọng tài không có năng lực hành vi dân sự thì phải có giấy tờ tài liệu chứng minh ngày tháng năm sinh hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định của Tòa án xác định, tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Hình thức của Thỏa thuận Trọng tài không phù hợp với quy định
Theo quy định tại Điều 16 Luật trọng tài thương mại 2010 thì Thỏa thuận Trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Dù dưới hình thức nào, Thỏa thuận Trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:
a) Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
b) Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;
c) Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;
d) Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;
đ) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.
- Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố Thỏa thuận Trọng tài đó là vô hiệu
Đây được xem là một trong các căn cứ để Tòa án tuyên Thỏa thuận Trọng tài vô hiệu. Trong quan hệ dân sự, các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, không bên nào được lừa dối, đe dọa và cưỡng ép bên nào.
Lừa dối được hiểu là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của Thỏa thuận Trọng tài nên đã xác lập Thỏa thuận Trọng tài.
Đe dọa, cưỡng ép được hiểu là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải ký kết Thỏa thuận Trọng tài nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.
- Thỏa thuận Trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật
Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Trên đây là bài viết của TNTP về Các trường hợp Thỏa thuận Trọng tài vô hiệu, hi vọng bài viết này có ích cho các doanh nghiệp và các bạn đọc.
Trân trọng,