Trong quá trình hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp thường xuyên phải đối diện với các khoản nợ chậm thanh toán của đối tác. Đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, tình trạng nợ vật liệu xây dựng ngày càng phổ biến. Do đó, việc doanh nghiệp lựa chọn cách để thu hồi khoản nợ này là vô cùng cần thiết. Trong bài viết này, TNTP sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khoản nợ vật liệu xây dựng và các cách để thu hồi khoản nợ vật liệu xây dựng.
I. Khoản nợ vật liệu xây dựng là gì?
Hiện tại, pháp luật không có quy định cụ thể về khái niệm của “nợ vật liệu xây dựng”. Có thể hiểu khoản nợ vật liệu xây dựng là nghĩa vụ trả tiền mà Bên Mua phải thanh toán cho Bên Bán theo Hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng nhưng hết thời hạn thanh toán mà Bên Mua không thanh toán cho Bên Bán theo thỏa thuận.
II. Đặc điểm của khoản nợ vật liệu xây dựng
Thứ nhất, về chủ thể: Hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng có thể được giao kết giữa bên mua là chủ đầu tư hoặc nhà thầu với bên bán là bên cung cấp vật liệu xây dựng. Trong đó, chủ đầu tư, nhà thầu và bên cung cấp vật liệu xây dựng có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp. Trong bài viết này, TNTP sẽ đề cập đến trường hợp nợ vật liệu xây dựng phát sinh khi bên mua và bên cung cấp vật liệu xây dựng đều là doanh nghiệp.
Thứ hai, về giá trị của khoản nợ: Khoản nợ này lớn hay nhỏ sẽ tùy thuộc vào quy mô của dự án. Thông thường, nếu bên mua và bên cung cấp đều là doanh nghiệp thì khoản nợ này đa số là có giá trị lớn do tính chất của dự án thuộc ngành xây dựng có quy mô lớn.
Thứ ba, về mức độ khó đòi của khoản nợ: Việc khoản nợ có dễ đòi hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tiến độ dự án, nguồn vốn của chủ đầu tư, quy mô dự án … Ví dụ, nhà thầu ký hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng với bên cung cấp. Việc thanh toán được thực hiện theo các giai đoạn nghiệm thu khối lượng công việc. Tuy nhiên, do tiến độ thi công dự án chậm kéo theo việc nghiệm thu bị trễ hạn, chủ đầu tư thanh toán khối lượng công việc cho nhà thầu chậm hơn dự tính nên việc thanh toán vật liệu xây dựng cho bên cung cấp cũng bị kéo dài.
Lúc này, nếu nguồn vốn của chủ đầu tư đảm bảo cho việc thanh toán theo khối lượng nghiệm thu thì khả năng thu hồi được khoản nợ là không khó bởi nợ phát sinh do lỗi của nhà thầu thi công chậm tiến độ. Tuy nhiên, nếu nguồn vốn của chủ đầu tư không đảm bảo và thanh toán cho nhà thầu chậm, dẫn đến tiến độ thi công, nghiệm thu các giai đoạn sau chậm thì khả năng thu hồi khoản nợ sẽ khó khăn hơn.
Ngoài ra, nợ vật liệu xây dựng cũng có thể bị kéo dài vì thời gian thi công xây dựng các dự án có thể kéo dài từ 06 tháng đến nhiều năm, tùy theo quy mô của dự án. Khi khoản nợ bị kéo dài, khả năng thu hồi nợ cũng sẽ khó khăn hơn.
III. Các cách để thu hồi khoản nợ vật liệu xây dựng
1. Khởi kiện yêu cầu hoàn trả vật liệu xây dựng
- Ưu điểm:
Khi nợ vật liệu xây dựng phát sinh, nếu bên cung cấp đánh giá bên mua không có khả năng để thanh toán thì bên cung cấp có thể yêu cầu bên mua hoàn trả lại vật liệu xây dựng. Đây là phương án đảm bảo: (i) đúng quy định của pháp luật; (ii) giúp thu hồi được các khoản nợ khó đòi; và (iii) tránh rủi ro cho bên cung cấp không thể thu hồi khoản nợ do bên mua không có khả năng thanh toán.
- Nhược điểm:
Đối với khoản nợ liên quan đến vật liệu xây dựng, thông thường khi tiến hành kiện đòi hoàn trả vật liệu xây dựng thì vật liệu xây dựng đã được sử dụng một phần hoặc toàn bộ vào việc thực hiện các dự án, công trình. Lúc này, việc đòi hoàn trả toàn bộ vật liệu xây dựng một cách nguyên vẹn là không khả thi. Dù bên cung cấp có khởi kiện và được Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện thì việc lấy lại vật liệu xây dựng cũng không thể thi hành được trên thực tế.
Trường hợp vật liệu xây dựng chưa được sử dụng thì chúng ta có thể thanh lý hoặc tiếp tục bán cho các dự án, nhà đầu tư khác để thu hồi vốn. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp vật liệu xây dựng đã không giữ nguyên chất lượng và giá trị như ban đầu. Mặc dù vậy, bên cung cấp vẫn nên cân nhắc việc khởi kiện đòi hoàn trả vật liệu xây dựng để giảm thiệt hại do bên mua gây ra.
2. Khởi kiện yêu cầu thanh toán khoản nợ vật liệu xây dựng
- Ưu điểm:
Trong trường hợp bên cung cấp đánh giá bên mua vẫn có khả năng thanh toán khoản nợ vật liệu xây dựng thì việc khởi kiện đòi thanh toán tiền vật liệu xây dựng sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn so với phương án kiện đòi hoàn trả vật liệu xây dựng. Ngoài khoản nợ gốc, doanh nghiệp có thể yêu cầu bên mua thanh toán khoản tiền lãi chậm trả trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
- Nhược điểm:
Đối với phương án này, tính khả thi của việc thu hồi khoản nợ phụ thuộc vào khả năng thanh toán của bên mua. Trong trường hợp yêu cầu khởi kiện được tòa án chấp nhận thì việc thi hành bản án nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thi hành án của bên mua. Thời gian thu hồi có thể sẽ kéo dài hơn so với đòi hoàn trả vật liệu xây dựng.
Như vậy, các doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai cách trên để thực hiện việc thu hồi khoản nợ vật liệu xây dựng. Theo TNTP, cách khởi kiện để yêu cầu thanh toán tiền vật liệu xây dựng sẽ có lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp so với cách khởi kiện để yêu cầu hoàn trả lại vật liệu xây dựng bởi trên thực tế, hầu hết vật liệu xây dựng sẽ được sử dụng vào công trình, dự án ngay sau khi bên cung cấp giao hàng. Ngoài ra, nếu áp dụng phương án khởi kiện yêu cầu thanh toán nợ vật liệu xây dựng thì bên cung cấp có quyền yêu cầu bên mua thanh toán khoản tiền lãi theo quy định của pháp luật.
Trên đây là những chia sẻ pháp lý liên quan đến khoản nợ vậy liệu xây dựng và cách để thu hồi khoản nợ vật liệu xây dựng. Hy vọng bài viết này có ích cho các bạn.
Trân trọng.
Có thể bạn chưa đọc bài viết Tỷ lệ chuyển nhượng công việc của nhà thầu chính cho nhà thầu phụ đối với dự án có vốn ngân sách nhà nước.
Tham gia Fanpage Giải quyết tranh chấp và thu hồi nợ để có thêm những thông tin pháp lý bổ ích.
Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự
Luật sư: Nguyễn Thanh Hà
Email: ha.nguyen@tntplaw.com