Trong khuôn khổ pháp lý, hợp đồng vô hiệu được xem là một vấn đề quan trọng trong luật hợp đồng. Khi một hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu, nó không tạo ra bất kỳ hiệu lực pháp lý nào từ thời điểm ký kết, đồng nghĩa với việc không làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt bất kỳ quyền hoặc nghĩa vụ nào của các bên liên quan. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bài viết dưới đây sẽ đi sâu phân tích các khía cạnh pháp lý của hợp đồng vô hiệu, bao gồm thời điểm xác định hợp đồng vô hiệu, hiệu lực của quyền và nghĩa vụ của các bên trước và sau khi hợp đồng được tuyên bố vô hiệu và giá trị pháp lý của các thỏa thuận khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu.

1. Thời điểm xác định hợp đồng vô hiệu

Khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu thì hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời điểm hợp đồng được xác lập. Điều này được hiểu rằng, thời điểm Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu chỉ mang tính chất xác nhận rằng hợp đồng không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, trên thực tế, hợp đồng đã bị vô hiệu ngay từ thời điểm giao kết do không đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, dẫn đến việc không thể phát sinh hiệu lực từ thời điểm giao kết hợp đồng.

2. Hiệu lực của quyền và nghĩa vụ của các bên

(i) Quyền và nghĩa vụ của các bên sau thời điểm giao kết hợp đồng và trước thời điểm hợp đồng vô hiệu

Các quyền và nghĩa vụ mà các bên đã thực hiện trong giai đoạn này đều không phát sinh hiệu lực. Theo đó, các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo quy định của pháp luật.

(ii) Quyền và nghĩa vụ của các bên sau thời điểm hợp đồng vô hiệu

Sau thời điểm hợp đồng vô hiệu, các quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng sẽ không phát sinh hiệu lực. Theo đó, các bên sẽ không có nghĩa vụ phải thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng và bên có quyền cũng không được hưởng các quyền sau thời điểm hợp đồng bị tuyên vô hiệu.

3. Hiệu lực của quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận của các bên khi hợp đồng vô hiệu

Vấn đề này đặt ra khi trên thực tế, các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc tiếp tục thực hiện một số quyền và nghĩa vụ mặc dù hợp đồng vô hiệu. Vậy câu hỏi đặt ra là, các thỏa thuận này có hiệu lực trong trường hợp hợp đồng vô hiệu hay không.

Hiện nay, việc cơ quan giải quyết tranh chấp giải quyết hậu quả của hợp đồng bị tuyên vô hiệu có thể chưa được triệt để bởi các bên đã thực hiện hợp đồng đến thời điểm hợp đồng bị vô hiệu. Theo đó, trong một số trường hợp, việc khôi phục lại tình trạng ban đầu là không thể thực hiện được. Do đó, các bên có thể có tranh chấp với nhau về việc bồi thường thiệt hại đối với việc không thể khôi phục lại tình trạng ban đầu. Một trường hợp nữa có thể xảy ra là một trong các bên có thể vi phạm hợp đồng, và sau thời điểm hợp đồng bị tuyên vô hiệu, một trong các bên mới phát hiện ra và yêu cầu áp dụng các biện pháp về phạt vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005, không có quy định nào giải quyết các vấn đề về giá trị pháp lý của các thỏa thuận đối với các quyền và nghĩa vụ trong trường hợp hợp đồng vô hiệu. Do đó, giá trị pháp lý của các thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại, giải quyết tranh chấp và các điều khoản khác không được xác định rõ trong trường hợp hợp đồng vô hiệu.

Trong trường hợp hợp đồng có điều khoản giải quyết tranh chấp tại trọng tài, theo quy định của pháp luật về trọng tài, điều khoản thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng độc lập với hợp đồng. Việc hợp đồng vô hiệu không làm mất đi hiệu lực của thỏa thuận trọng tài. Do đó, có thể lý luận là trừ khi chính bản thân thỏa thuận trọng tài bị tuyên bố vô hiệu, việc hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu cũng không làm mất hiệu lực của thỏa thuận trọng tài. Trong trường hợp điều khoản trọng tài tiếp tục có hiệu lực, trọng tài nên xem xét áp dụng các điều khoản được các bên thỏa thuận tiếp tục có hiệu lực khi hợp đồng vô hiệu để xử lý vi phạm phát sinh từ hợp đồng.

Có thể thấy rằng, trong trường hợp hợp đồng bị tuyên vô hiệu, các bên cần cân nhắc về việc thực hiện hoặc tiếp tục các thỏa thuận liên quan. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, các bên có thể nhờ đến sự hỗ trợ từ cơ quan giải quyết tranh chấp để xử lý các vấn đề phát sinh. Điều này không chỉ đảm bảo công bằng trong việc thực thi pháp luật mà còn giúp giảm thiểu những rủi ro và tranh chấp giữa các bên. Đồng thời, cần có sự hoàn thiện trong các quy định pháp luật để làm rõ hơn giá trị pháp lý của các thỏa thuận giữa các bên khi hợp đồng vô hiệu nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên liên quan một cách hiệu quả và minh bạch hơn.

Trên đây là bài viết “Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu: Không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm giao kết hợp đồng” mà TNTP gửi đến Quý độc giả. TNTP hi vọng bài viết này giúp ích cho Quý độc giả.

Trân trọng,